Saint-Étienne-du-Rouvray: Thánh lễ chưa xong

82

Chúng tôi đăng lại đây bài viết của ông Andrea Riccardi, nhà sáng lập Cộng đồng Sant’Egidio, được đăng ở nhật báo Ý Avvenire ngày 27 tháng 7 sau vụ ám sát ở Saint-Étienne-du-Rouvray, nước Pháp.

 

Một nhà thờ bị phạm thượng vì bạo lực; một linh mục bị giết trong lúc dâng thánh lễ; các tín hữu và nữ tu bị thương… Chúng ta đã thấy điều này trên toàn thế giới; chúng ta đã thấy ở nước Pháp khi Sư huynh Roger bị đâm chết trong buổi kinh chiều ở Taizé. Chúng ta không bao giờ muốn thấy chuyện này xảy ra ở đây, ở Âu châu. Nhưng nó đã xảy ra. Đó là một hành động cho thấy sự vô nhân đạo của những tên khủng bố và sự thiếu tuyệt đối tâm tình tôn giáo của họ, tâm tình này ngược lại, lại có nơi rất nhiều người hồi giáo, những người kính trọng «người của Chúa» và tôn trọng cầu nguyện. Còn trẻ, bị điên, đóng kín trong sự độc tài của hận thù, trong sự tuyên truyền của Nhà nước Hồi giáo Tự xưng, họ đã làm hành động tàn ác này. Ghê tởm cho việc phô bày hung bạo tàn nhẫn. Diễn tả một ý muốn sơ đẳng là kinh hoàng hóa xã hội Pháp để đẩy đến có những phản ứng thiếu suy nghĩ. Khôn ngoan, Giám mục Pontier, chủ tịch Hội đồng Giám mục Pháp đã tuyên bố, không nhường bước trước cái sợ. Khôn ngoan, các giám mục Ý nhắc lại ngay, không được nhường bước «cho sự khép kín hay trả thù».

Tại sao tấn công vào nhà thờ? Đây là một trong những nhà thờ ở ngoại vi, ở vùng quê nước Pháp: một nhà thờ đi qua lịch sử thế tục của công giáo vùng Normand. Bây giờ, nhà thờ do một linh mục người Congo phụ trách được sự trợ giúp của một linh mục Pháp ngoài tám mươi, cha Jacques Hamel, bị giết ở chân bàn thờ khi cha đang dâng thánh lễ. Nước Pháp thiếu linh mục. Nhưng Giáo hội không chết, cũng không hấp hối. Ngược lại, Giáo hội can đảm đứng vững và thực hiện sứ vụ của mình nhờ giáo dân và các nữ tu, và với sự tận tâm phục vụ của một linh mục lớn tuổi, người mừng kim khánh của mình năm 2008, nhưng từ đó đến nay cha tiếp tục dâng thánh lễ. Đó là các linh mục của chúng ta: những người sống trọn đời để phục vụ, không có lương cao, thường sống một mình, nhưng lòng đầy tinh thần phục vụ. Ngày nay, chúng ta phải bày tỏ lòng kính trọng Giáo hội Pháp, một Giáo hội đã đi qua những giai đoạn khó khăn nhưng vẫn giữ các nhà thờ của mình luôn mở cửa, rao giảng và cử hành với một tinh thần trang nghiêm cao cả, thấm đậm sự hiệp thông với Phúc Âm.

Tại sao lại là nhà thờ? – câu hỏi lại trở lại. Đó là biểu tượng của kitô giáo. Và, ngày nay, nhà thờ Saint-Étienne, tẫm máu các vị tử đạo, vẫn còn tẫm. Thánh lễ bị ngưng vì bạo lực. Một cách rõ ràng, Giáo hội Pháp và Giáo hội hoàn vũ (từ Đức Gioan-Phaolô II đến Đức Phanxicô) chưa bao giờ biết có một chiến tranh tôn giáo giữa Phương Tây (kitô giáo) và hồi giáo. Tháng 1 năm 2002, sau vụ tấn công ngày 11 tháng 9, ở Axixi, Đức Giáo hoàng Wojtyla kêu gọi các nhà lãnh đạo tôn giáo cầu nguyện cho hòa bình. Trước đó, ngài muốn có một ngày ăn chay của người công giáo trùng với ngày kết thúc tháng ăn chay Ramadan. Giáo hội không đi trên con đường mị dân để chống hồi giáo. Hôm qua, Giáo hội bị tổn thương bởi tất cả những người ngấm hận thù của cuộc thánh chiến, kéo vào cuộc đối đầu nhưng Giáo hội đi ra bởi thái độ khôn ngoan và hiền mãu. Linh mục Jacques đã viết trên trang blog của giáo xứ về việc nghỉ hè: «Một thời gian để tôn trọng người khác, dù họ như thế nào». Và ngài xin: «Cầu nguyện cho những người đang thiếu thốn, cho hòa bình, để cùng sống chung với nhau …» Đó là cảm nhận sâu đậm mà Giáo hội, trong thớ vải loài người, làm thuận tiện cho việc gặp gỡ, thấm nhập trong những môi trường khó khăn, giúp đỡ những người không được khỏe: sống chung với người khác trong hòa bình. Giáo hội là nơi của mọi sự là nhưng không, nơi của lòng người trong một xã hội cạnh tranh bằng mọi giá. Nhất là Giáo hội là một không gian mở.

Cánh cửa mở của các nhà thờ chúng ta (là cánh cửa mà các tên sát nhân đi vào giết cha Hamel) ngược với vô vàn hàng rào chắn, thanh chắn, tường cao, các thành quả của cái sợ. Và ở đó, trong nhà thờ, tất cả có thể đi vào: người nghèo, người thiếu thốn, người đi tìm ý nghĩa cho cuộc đời, người cần một lời, một cử chỉ của tình bạn. Trong nhà thờ này, cũng như trong rất nhiều nhà thờ khác ở Pháp và ở Âu châu, có giấu một bí mật của một thế giới không tin vào các bức tường, không nhường bước cho bạo lực. Nó tạo ra một phần của châu lục, chắc chắn quấy rầy những người hung bạo nhất. Một phần có dáng dấp yếu đuối (như linh mục lớn tuổi), nhưng rất mạnh: «Chúa Giêsu đến trong tình trạng bấp bênh», linh mục Jacques viết trong dịp lễ Giáng Sinh vừa qua.

Sau vụ ám sát linh mục Hamel, Đức Giám mục Pontier đã vinh danh linh mục Hamel: «Chỉ có tình huynh đệ, một tình thân thiết với đất nước chúng ta, là con đường dẫn đến hòa bình lâu dài. Chúng ta hãy cùng xây với nhau». Các hành vi của cái chết kêu gọi tín hữu kitô vào một sứ mệnh mới giữa bạo lực to lớn ở Âu châu. Phải hình thành giấc mơ làm xã hội hòa bình: hội nhập những người còn ở bên lề, bị khinh chê, bị lo lắng, bị xa lạ. Đây là sứ mệnh Phúc Âm và hòa bình. Không phải chỉ là những lời cơ hội nhưng là một đòi hỏi sâu đậm của thời chúng ta, một ơn gọi cho Giáo hội. Phải tiếp tục thánh lễ của linh mục Hamel giữa mọi người, thánh lễ đã bị ngưng vì bạo lực.