SỰ ĐỔI THAY LẠ LÙNG: ÁNH SÁNG MỚI NƠI CON ĐƯỜNG TRẮC TRỞ – Truyện của Lm. Anmai, CSsR

15

SỰ ĐỔI THAY LẠ LÙNG: ÁNH SÁNG MỚI NƠI CON ĐƯỜNG TRẮC TRỞ

Cuộc đời này, đôi khi, những bi kịch tưởng chừng không lối thoát lại là cánh cửa mở ra những sự đổi thay lạ lùng, những phép màu không tưởng. Gia đình nó – một mái nhà từng bị nhấn chìm trong tiếng ồn ào của những cuộc ẩu đả, những vết thương và sự cô độc – đã trải qua một hành trình như vậy. Cha mẹ nó ly hôn, một kết cục bi thảm nhưng có lẽ lại là sự giải thoát cho cả hai trong lúc này, bởi không ngày nào họ không ẩu đả nhau, hàng xóm cũng đã quá mệt mỏi vì sự ồn ào phiền phức của họ.

Những buổi chiều đi làm về mệt mỏi, đáng lẽ là lúc để nghỉ ngơi một chút, thì cha mẹ nó lại to tiếng ầm ầm. Mới sáng mở mắt, thay vì tiếng chào hỏi, tiếng cười nói, thì cha mẹ nó đã thượng cẳng tay hạ cẳng chân. Bị cha nó ra nắm đấm, mẹ nó chẳng vừa, cũng đánh trả cha nó què giò, hay gãy răng, đại loại là vơ được cái gì, mẹ nó xáng vô chồng, rồi chạy đi, gọi hàng xóm hay có khi thẳng lên công an để cầu xin giải cứu. Cha nó bị công an gọi nhiều lần vì tội vũ phu, bạo hành vợ. Nội tình trong cuộc, chỉ có cha mẹ nó rõ nhất, căn cớ vợ chồng nặng nhẹ nhau, những uất ức, những ghen tuông, những hiểu lầm, hay sự vô tâm đã tích tụ thành ngọn lửa bạo lực.

Tất cả những điều đó chỉ tội cho nó – đứa con trai niên thiếu, người chứng kiến mọi bi kịch ngay trong chính ngôi nhà của mình. Nó tủi thân, xấu hổ vì cha mẹ mình. Trong khi bạn bè có gia đình êm ấm, nó lại phải sống trong nỗi sợ hãi và mặc cảm. Nó trở nên lầm lì, thu mình lại, ít nói chuyện với cha mẹ hay bạn bè. Nó là một đứa trẻ thông minh, học giỏi, thân hình cao lớn, là đứa con rất ngoan mà bất kỳ cha mẹ nào cũng mong muốn. Thế nhưng, năm học lớp 10 này, nó chẳng thiết tha học hành nữa, thành tích sa sút, thường đóng cửa phòng, nhốt mình trong thế giới riêng, không ăn không uống, không giao tiếp với bất kỳ ai. Trầm cảm và tuyệt vọng dần bủa vây tâm hồn non nớt của nó.

Trong căn nhà ấy, chỉ có bà nội, năm nay đã 68 tuổi, là nó chịu nghe để bà dỗ nó đi học, dỗ nó ăn uống hay đi ra ngoài với bà. Nó thương nội, nội cũng cô đơn như nó trong căn nhà này. Cha mẹ thì mỗi người mỗi việc, họ làm ra tiền và hưởng thụ cho riêng mỗi người một cuộc sống, một niềm vui ích kỷ. Cũng có lẽ cả cha và mẹ nó đều đã quên sự tồn tại của nó trong cuộc đời này, hay họ coi nó là gánh nặng, là người cản trở để họ không được sống như ý của mình. Thì từ nay, họ chẳng đã như ý sao, đã ly hôn rồi, nó thì sống với nội, không sống với cha, cũng chẳng ở với mẹ, cha mẹ nó cũng khỏi tranh giành con khi phải ra tòa. Bà nội, dù tuổi đã cao, nhưng cũng còn khỏe để bán quán nước nhỏ trước nhà, nên thi thoảng nó ra phụ trông quán cho nội, còn bà nội thì cơm nước cho nó mỗi ngày. Bà nội mặc kệ những ồn ào của vợ chồng con trai, bởi vì bà đã quá mệt mỏi, tụi nó chửi bới nhau, hay choảng nhau, hay ly dị, cũng thế mà thôi, bởi vì cả con trai và con dâu từ lâu cũng đã coi bà như không tồn tại, một người già yếu không có tiếng nói trong chính căn nhà của mình. Căn nhà này của bà, bà và cháu trai ở tầng 1, vợ chồng nó chia vách ngăn và ở tầng 2, cầu thang phía ngoài nhà, nên chẳng ai liên lụy gì ai. Sắp tới, sau khi ly hôn, mẹ nó về nhà ngoại sống, tài sản cũng chẳng có gì chia chát. Đường ai nấy đi, nhẹ gánh, nhẹ lòng, để lại một đứa trẻ và một bà già cô độc trong ngôi nhà cũ.

Trong khu phố này, giữa những ồn ào và bi kịch gia đình nó, lại có một góc nhỏ bình yên. Hai bà cháu thường qua lại nhà thím Minh, một người phụ nữ khác cũng mẹ góa con côi, làm công nhân xưởng may nuôi hai con ăn học. Thế nhưng, khác với gia đình nó quá ồn ào, ba mẹ con thím Minh lại sống hòa thuận vui vẻ, mẹ mẹ con con ngọt ngào. Đứa con gái đầu của thím Minh tên Thắm, học lớp 12, cùng trường với nó, còn em trai thì lớp 4. Thỉnh thoảng, nó hay đi nhờ xe chị Thắm để đến trường, trên đường đi, chị Thắm thường kể cho nó nghe những câu chuyện vui, những lời động viên. Chị Thắm bị tật ở chân, đi lại có phần khó khăn, nhưng chị rất khỏe, học giỏi và rất vui vẻ, chị không hề mặc cảm với cái chân tật của mình; khác với nó đẹp trai, khỏe mạnh nhưng luôn tự ti và mặc cảm vì câu chuyện gia đình mình.

Bà nội khá thân thiết với thím Minh, sáng ra đã rôm rả tám chuyện, tối còn hay sang nhà thím Minh xem tivi hay cùng ra công viên đi bộ, tập thể dục. Những hôm thím Minh tăng ca thì bà nội đi chợ giúp để chị Thắm đi học về nấu cơm cho em trai ăn. Ngược lại, thím Minh thường chở giúp bà nội đi bệnh viện nhận thuốc hay đi đâu tiện đường. Nói chung, bà nội và cả nó rất quý mến thím Minh, thím cũng thương bà nội tuổi già nhưng còn phải buôn bán nuôi cháu, chẳng nhờ vả gì con trai, con dâu được. Thím thường nói, mỗi người mỗi cảnh, tình người nương nhau mà sống mới là điều đáng quý. Chính sự tử tế, sự bình yên và sự sẻ chia của gia đình thím Minh đã trở thành một điểm tựa, một tia sáng nhỏ bé trong cuộc đời đầy bóng tối của nó.

Hôm ấy là một buổi chiều Chúa nhật, một ngày định mệnh. Góc phố nhà nó bỗng trở nên rộn ràng, có một nhóm phụ nữ lạ hoắc đến thăm. Họ giới thiệu là nhóm phụ nữ Công giáo ở nhà thờ đến để làm chứng, phát Kinh Thánh cho mọi người, nếu ai bằng lòng tin Chúa Giê-su thì sẽ được cứu rỗi linh hồn. Thím Minh khéo léo từ chối không muốn nghe, vì thím nói gia đình ông bà thờ Phật từ nhỏ, thím không đi chùa nhưng đến ngày vẫn ăn chay, theo truyền thống gia đình. Dĩ nhiên, bà nội nghe theo thím Minh, cũng chẳng niềm nở gì với nhóm phụ nữ kia, dù họ đang là khách ngồi ở quán nước của bà, chỉ giữ phép lịch sự tối thiểu.

Nhưng thật kỳ lạ, cha nó, một người đàn ông dường như đã chìm đắm trong rượu chè và bạo lực, ở đâu ghé lại, ngồi đáp chuyện xã giao với họ. Có lẽ vì tò mò, có lẽ vì một sự trống rỗng trong tâm hồn đang tìm kiếm điều gì đó mới mẻ, hoặc có lẽ vì sự lịch sự xã giao. Bất ngờ hơn, ông còn nhận lời mời của nhóm phụ nữ, tối đó đến nhà thờ để dự đêm ca nhạc Thánh chia sẻ niềm tin. Bà nội thì thấp thỏm tự nhủ trong lòng, cầu mong cho nó theo đạo gì cũng được, đạo nào cũng là đạo, miễn là nó bớt ăn nhậu, chơi bời để lo cho con trai đang tuổi lớn. Bà chỉ mong con trai mình tìm được một con đường để thay đổi cuộc sống bi đát hiện tại.

Thật quá lạ lùng, có lẽ điều gì đến cũng phải đến, cha nó tin Chúa ngay trong buổi tối hôm đó. Khi về, ông nói với bà nội rằng, cách đây 13 năm, khi đi làm bên Thái Lan, ông đã nghe biết đến Chúa, đã tin Chúa, nhưng rồi khi trở về Việt Nam, cuộc sống bận rộn, những cám dỗ và những rắc rối gia đình đã khiến ông quên mất những điều mình đã tin, đức tin nguội lạnh, và ông lại chìm đắm vào thói quen cũ. Bây giờ thì không có lý do gì để cha nó từ chối Chúa thêm một lần nữa, sau khi đã trực tiếp cảm nghiệm được sự bình an và tình yêu từ buổi nhóm tối hôm đó. Bà nội nghe cha nó nói, mừng rỡ vô cùng, vì dù sao từ đây, cha nó cũng là người có đạo, bà mừng vì con trai mình đã tìm thấy một con đường, mong sao đời sống ông được thay đổi thực sự.

Nhưng rồi, có một chuyện còn lạ lùng hơn cả chuyện cha nó tin Chúa, y như trong truyện cổ tích hay trong một tiểu thuyết nào đó. Cả khu phố của nó toáng lên tin đồn cha nó và thím Minh có tình cảm với nhau. Lý do là do hai nhà sát cạnh nhau, chị Thắm con thím Minh đã vô Sài Gòn học đại học, nhà vắng đơn chiếc, có lẽ cũng buồn mà thím Minh dễ xao lòng, còn cha nó, cũng đã ly hôn nửa năm nay, mẹ nó ở ngoại cũng chẳng về thăm nó, hai người như hận nhau nghìn kiếp. Thôi chuyện người lớn, nó chẳng hiểu được, mà sao lòng cứ thấy buồn buồn, nó không muốn thím Minh làm mẹ kế, cả thằng con trai thím Minh nghe chuyện, nó cũng buồn lắm lắm, vì sợ những thay đổi lớn. Chỉ có bà nội là mừng ra mặt. Bà nói, hai gia đình về một, chẳng mừng sao, tiện cả đôi nhà, có người đỡ đần tuổi già, có người chăm sóc cháu. Cha nó trông như trẻ ra, cả thím Minh cũng vậy, như được hồi sinh sau những vất vả cuộc đời. Chỉ một thời gian ngắn sau đó, hai người công khai chở nhau, có lẽ để cả khu phố khỏi mắc công bàn tán, ngược lại, mọi người còn nói họ đẹp đôi, vì cả hai đều đã trải qua nhiều sóng gió và tìm thấy nhau trong sự đồng cảm.

Tình yêu, thực sự, có một sức mạnh lạ kỳ. Thím Minh, một người phụ nữ đạo Phật truyền thống, theo cha nó đi nhóm tối thứ Sáu mỗi tuần. Cha nó cũng thôi nhậu nhẹt, không còn vùi đầu vào những cuộc vui vô bổ. Đi làm về là tập thể dục, rồi ăn cơm của thím Minh nấu, những bữa cơm ấm áp, đủ đầy tình thương. Có lần, thím Minh nói với bà nội rằng, thím sẽ bắt đầu tìm hiểu về đạo Tin Lành và Chúa Giêsu một cách nghiêm túc. Thím nói, nếu xác định về chung nhà, và anh Sơn (tên cha nó) thật lòng với thím Minh, thím sẽ nói chuyện với hai đứa con và bằng lòng tin Chúa Giê-su. Thím đã nhìn thấy tình yêu của Chúa Giê-su không chỉ qua những lời rao giảng, mà qua chính cuộc đời của anh Sơn, cách anh thay đổi, cách anh sống có trách nhiệm, và cũng như những người anh em mà thím gặp ở ban Tráng niên trong nhà thờ. Công giáo không chỉ là tôn giáo, Công giáo là điều gì đó diệu kỳ biến đổi cuộc đời con người cách lạ lùng, từ tận sâu thẳm tâm hồn. Thím không tin Chúa Giê-su là có thật, hay những lời rao giảng, cho đến khi thím nhìn thấy sự thay đổi rõ rệt ở cha nó, cũng như tiếp xúc với những người anh em sống đạo chân thành trong nhà thờ.

Những ngày sau đó, cha nó và thím Minh vô cùng thân thiết, cuộc sống của cha nó như được hồi sinh, líu lo hát những bài Thánh ca mới, nấu ăn cho nó và nội với niềm vui mới. Buổi sáng, trước khi đi làm, ông còn phụ nội bưng bàn, đẩy xe bán nước, thỉnh thoảng còn cho tiền nó và con trai thím Minh đi xem phim hay đi ăn vặt. Nói chung, mọi người nhìn vào, so với gần một năm trước đây và bây giờ, nhà nó đã yên bình hơn rất nhiều, bà nội cũng vui hơn, nụ cười thường trực trên môi, khu phố không còn ồn ào bởi những trận cãi vã, cả Công an phường cũng không còn phải xuống nhà nó thường xuyên như trước. Chính nó cũng tò mò, ngạc nhiên vì sự thay đổi quá lớn của cha mình, có phải tình yêu khiến cha nó hạnh phúc? Nó tự vấn, chắc là không phải chỉ vì tình yêu, bởi vì nếu cha nó không thay đổi trước khi đến với thím Minh, thím đâu có dại gì mà đến với ba, thím là người khôn ngoan và thực tế. Nó thầm tự nhủ, rồi thầm buồn rười rượi, phải chi ba tin đạo Chúa sớm hơn, phải chi mấy cô phụ nữ trong nhà thờ đến giảng đạo cho ba nó sớm hơn, có lẽ ba mẹ nó sẽ không ly hôn, và cuộc đời nó đã không phải trải qua những tháng ngày bi kịch đến thế. Nó chậc lưỡi, bùi ngùi rồi thôi mặc kệ, mọi chuyện đã rồi. Dù sao cuộc sống của nó và bà nội cũng bình an hơn những ngày trước đây, bản thân nó cũng bớt mặc cảm với bạn bè, như vậy là ổn lắm rồi.

Những ngày này, mùa đông tràn về thật nhanh, mưa xào xạc cả đêm và cái lạnh cũng len qua từng ô cửa, từng góc phố, từng trái tim. Một buổi chiều, nó đi học về thì thấy cha mình cặm cụi trang trí cây thông Giáng sinh, được chưng ngay trong nhà nó, ngay dưới bàn thờ gia tiên của bà nội, vậy mà bà nội cũng chẳng ý kiến hay phản đối gì, thậm chí còn mỉm cười nhìn con trai. Nó thắc mắc hỏi bà nội, nhà mình chỉ có cha theo đạo Chúa rồi thì cần gì trang trí Giáng sinh, đây đâu phải lễ của mình. Nhưng bà nội còn nói, nhà mình từ xưa đến giờ quá buồn, quá u ám, thử vui Giáng sinh một năm, xem sang năm mới nhà cửa có quang quẻ hơn không, có nhiều niềm vui hơn không. Cứ để cha con sống với đức tin của mình, miễn cha của con sống tốt hơn trước đây, sống có ích hơn trước đây thì trang trí Giáng sinh trong nhà có gì to tát đâu, đó cũng là một niềm vui mới. Nó thấy là lạ, ngay cả bà nội, một người phụ nữ truyền thống, cũng có điều gì đó thay đổi trong cách suy nghĩ và chấp nhận.

Mà quả thật, nhà nó đã quá thay đổi, nhưng là một sự thay đổi quá vui mừng, một phép màu giữa đời thường. Từ những ngày rất buồn và đầy mặc cảm, rất phiền hàng xóm, công an… bây giờ, như được bước ra khoảng trời khác để đón nhận tình cảm ấm áp của ba, của thím Minh, và của cả những người bạn thật đáng mến mà cha nó đem tới cho gia đình. Cha nó dẫn mẹ con thím Minh, bà nội và nó đến dự buổi thông công Noel của một chi phái nào đó trong nhà thờ, nơi mọi người đều thân thiện, cởi mở. Cả nội và nó vô cùng ngạc nhiên khi đến với cộng đoàn này, họ hát Thánh ca thật du dương, đọc Kinh Thánh với lòng sốt sắng, và cầu nguyện vô cùng vui vẻ, đầm ấm, không hề có sự gò bó hay trang nghiêm thái quá. Bà nội và nó cũng hiểu ý nghĩa lễ Giáng sinh là gì, vì sao sinh nhật một người mà toàn thế giới kỷ niệm, bởi vì người đó là Chúa Giêsu giáng sinh làm người, mang theo sứ điệp hòa bình và tình yêu. Biết bao nhiêu người đã tin nhận Chúa, trong đó có cha nó. Mọi người cũng mời bà nội, hai mẹ con thím Minh và nó tin nhận Chúa và Giáng sinh này cùng đến nhà thờ dự lễ. Giờ sinh hoạt của họ vui vẻ và ấm cúng lắm, nói chung, nó chưa tham gia một nhóm hội nào mà thân tình và đầy tình người như buổi nhóm chi phái này.

Thế rồi, mùa Giáng sinh năm nay, mẹ con thím Minh, bà nội và nó cùng đi dự lễ, ngồi ở hàng ghế thân hữu, giữa không khí tràn ngập niềm vui và ánh sáng. Mọi người ngạc nhiên nhìn cha nó lên hát với ca đoàn trong nhà thờ, với nụ cười rạng rỡ và ánh mắt đầy niềm tin. Thím Minh đã theo cha nó tin Chúa, ánh mắt thím cũng ánh lên sự bình an. Đứa con trai thì vẫn không chịu tin, còn giữ thái độ dè dặt, bà nội thì có vẻ rất thích theo đạo nhưng vẫn còn phân vân giữa truyền thống và niềm tin mới, còn nó thì cùng phe với con trai thím Minh, vẫn chưa sẵn sàng để tin. Bài hát Giáng sinh sao mà du dương và cảm động: ‘Hát mừng, Chúa Giê-su vừa ra đời, Ngài đến ban cho niềm hy vọng, cho khắp muôn dân được sống an vui. Nào ta hát mừng, Chúa giáng sinh làm con người, Ngài đến xóa đi mọi lo âu, và Chúa đem tình yêu cho người hôm nay’.

Nghe bài hát, nhìn sự thay đổi của cha, nó thầm nghĩ: Có thật Chúa đến đem hy vọng, an vui và xóa đi mọi lo âu? Có điều gì hấp dẫn nơi Chúa Giê-xu hơn cả ăn chơi nhậu nhẹt mà cha bỏ tất cả để theo Chúa Giê-su? Điều đó thật quá kỳ diệu, bởi từ khi cha nó tin Chúa, nhà nó bình an, vui vẻ hơn rất nhiều so với trước đây. Nó nhớ mẹ, cũng tại cha có lỗi với mẹ rất nhiều để mẹ không chịu nổi cha và phải rời đi. Nó thầm tự nhủ, mình sẽ về thăm ngoại, thăm mẹ, kể cho mẹ nghe những thay đổi của cha nó, của cuộc sống bà cháu nó từ khi cha tin Chúa. Chỉ mong sao tình yêu của Chúa, tình yêu của cha và thím Minh đem lại một cuộc sống bình an cho nội và nó.

Mùa đông rồi sẽ qua, mùa xuân sẽ trở về trong nắng ấm, trong hy vọng và hồi sinh. Cuộc sống vẫn tiếp diễn, mang theo những lo toan, những đổi thay, nhưng cũng ẩn chứa những phép màu. Nó vừa hy vọng, lại vừa sợ hãi điều gì như một nỗi sợ hãi vô hình ám ảnh của ký ức, sợ hãi rằng liệu sự bình yên này có kéo dài? Sợ hãi rằng liệu hạnh phúc có dễ dàng tan biến như trước? Nhìn lên bầu trời mùa đông, những đám mây u ám bủa về dày đặc, lòng nó chùng xuống một nỗi cô đơn không tả. Nghĩ lại những tháng ngày qua, những bi kịch đã trải qua, nó thèm có được những phút giây ấm áp trong tình yêu gia đình một cách trọn vẹn. Liệu rằng Chúa Giê-su có yêu nó không, một đứa trẻ mang trong mình quá nhiều vết thương và sự hoài nghi? Nó cũng đang muốn… muốn tin, muốn được yêu thương, muốn được bình an, muốn được giải thoát khỏi những ám ảnh quá khứ, muốn tìm thấy ý nghĩa trong cuộc đời mình, giống như cha nó đã tìm thấy. Câu hỏi ấy vang vọng trong tâm hồn nó, như một lời cầu nguyện thầm kín giữa màn đêm của mùa đông, chờ đợi một ánh sáng bình minh mới.

Lm. Anmai, CSsR