Tâm Sự Về Chiếc Áo
Chiếc áo tôi đề cập hôm nay không phải là áo Việt Tiến đắt tiền, cũng chẳng phải chiếc áo “body” hiệu Tommy đang được giới trẻ ưa chuộng. Vậy áo đó có gì khác với cuộc sống này chăng, không hẳn là như thế, chúng ta sẽ biết được chiếc áo mà tôi đề cập ở dưới đây.
Vâng, chiếc áo mà tôi đề cập đó là áo dòng hay còn gọi là chiếc áo chùng thâm. Áo chùng thâm là một chiếc áo của dấu chỉ từ bỏ của người Tu sĩ, là chiếc áo biểu trưng cho đời sống thánh hiến.
Thật vậy, người ta thường nói: “Chiếc áo không làm nên thầy tu”. Tuy nhiên, chiếc áo lại nhắc nhở cho mỗi người tu sĩ phải từ bỏ ý riêng, điều chỉnh hành vi của mình để cố gắng hoàn thiện hơn. Ngày nay, khi xã hội phát triển, sự đề cao cá nhân, người nghèo cũng có thể có những chiếc áo hiệu để mặc sánh với những người giàu. Tuy nhiên với áo dòng lại khác. Khi mang chiếc áo chùng thâm hay áo dòng thì tôi thật sự bước vào một con người khác. Một điều dễ thấy nhất là trong các thánh lễ, đặc biệt là các thánh lễ long trọng, đông người… có nguy cơ không có chỗ ngồi thì chúng tôi là những người mang trên mình chiếc áo dòng, luôn được chuẩn bị chỗ riêng và không sợ ai chen lấn. Chiếc áo dòng thật đẹp, giúp chúng tôi có địa vị và được tôn trọng trong xã hội.
Tuy nhiên “Y phục xứng kỳ đức”. Đức Cha Anphong Nguyễn Hữu Long đã nói: “Chiếc áo bên ngoài dẫu đẹp nhưng nó phải diễn tả thực tại mà nó đang bao trùm. Mặc chiếc áo, thật ra là mặc lấy một cốt cách, một tinh thần thanh thoát tươi mới. Đối với chiếc áo dòng lại càng khẩn thiết hơn nữa khi mặc lấy chiếc áo này cũng là mặc lấy chính Đức Kitô. Những gì bên trong thì người ngoài không thể thấy nhưng thật nguy hại nếu như tôi chỉ có chiếc áo này mà trong tôi lại toàn bất xứng với ơn gọi”.
Chiếc áo không làm nên thầy tu nhưng nhờ chiếc áo, mỗi người khi mặc lấy như nhắc nhở mình phải sống làm sao cho xứng với chiếc áo dòng và con người tu sĩ. Lời mời gọi này nhắc chúng tôi cần dấn thân, hy sinh hơn nữa để tu luyện, để trở nên một người của Thiên Chúa thật sự, và cũng là người thật sự của mọi người. Ngắm nhìn lại chiếc áo của mình, tôi nhận ra cũng có nhiều nét sờn bạc, đường chỉ cũng bong tróc đôi chỗ. Cùng với những thay đổi của chiếc áo, tâm hồn tôi cũng đã nhiều lần trở chứng, đổi thay, bất trung, đi ngược với lời mời gọi tình yêu của Chúa.
Có nhiều lúc chiếc áo trở nên quá chật chội gò bó khi tôi muốn bứt tung mọi rào cản, muốn làm theo ý mình. Cũng có những khi chiếc áo trở nên như quá rộng khiến tôi thấy mình nhỏ bé, bất xứng. Như chiếc áo cần được giặt sau một thời gian để rồi được mặc lại, tâm hồn tôi cũng cần được gột rửa để cố gắng hơn, hoàn thiện hơn với lời mời gọi của Chúa và để tôi chu toàn Thánh Ý mà Chúa đã khởi sự cho cuộc đời tôi.
Phía trước, tương lai còn mịt mờ nhưng hiện tại, tôi tạ ơn Chúa từng ngày. Cảm ơn Chúa từng giờ vì Người không bỏ rơi tôi. Người vẫn dùng chiếc áo dòng để dạy tôi sống đơn sơ, thuần khiết và an bình trong ơn phúc của Người. Với tôi, ngay lúc này, tại đây, thế là đủ. Và, tôi cảm thấy bình an, cho dù tương lai như thế nào, tôi xin phó thác cho sự quan phòng yêu thương của Thiên Chúa. Nguyện xin Chúa tuôn đổ ơn lành và nâng đỡ ơn gọi của tôi.
Sau cùng, ước gì mỗi người tu sĩ ý thức được chiếc áo dòng mình đã, đang hoặc sẽ khoác lên. Chiếc áo không làm nên tu sĩ nhưng chiếc áo là phương tiện hữu hiệu để qua đó chúng ta ý thức được sứ mạng và lời mời gọi dấn thân triệt để hơn. Ước chi chúng ta biết quý trọng chiếc áo dòng như là vật phẩm quan trọng trong đời dâng hiến. Ước chi mỗi người ý thức và đừng từ chối chiếc áo dòng. Bởi lẽ, khi khoác lên áo dòng chúng ta sẽ ý thức được chúng ta cần phải sống như thế nào.