Tản mạn về “Cuộc chiến đấu nội tâm”

79

Tản mạn về “Cuộc chiến đấu nội tâm”

                   

“Điều tôi muốn, tôi lại không làm; điều tôi ghét tôi lại làm” (Rm7,15);

Và “Sự thiện tôi muốn tôi lại không làm nhưng điều ác tôi không muốn tôi lại làm”(Rm7,19).

Cuộc chiến này thường được gọi là “Cuộc chiến nội tâm”, vì nó diễn ra trong tâm hồn của con người, hay còn gọi là cuộc chiến Xác – Hồn. Có nhà Triết Học thời xưa nói: “Thân xác là tù ngục của linh hồn”. Người ta cho rằng Xác và Hồn như là hai thù địch không đội trời chung. Thế mà nó lại ở ngay trong một con người. Điều đó làm cho người khổ sở, giằng co, không biết làm sao bây giờ.

Người ta còn nói: Con người có ba kẻ thù là Thế gian, Xác thịt và Ma quỉ. Thế gian và ma quỉ thì ta có thể hiểu; còn xác thịt, tại sao lại là kẻ thù của ta. Có thật nó là kẻ thù của ta không?

Xác thịt đó chính là xương là thịt của ta; là cơ thể của ta. Con người có hai phần là xác và hồn. Phần xác là cơ thể bao gồm các giác quan như mắt, mũi, tay, chân; miệng lưỡi và tim gan phèo phổi,…Phần hồn là sự sống của thể xác, ở trong thể xác. Khi hồn lìa xác thì xác thành xác chết, không nhúc nhích, không ngọ ngoạy gì hết. Hồn có các quang năng là suy nghĩ, yêu và điều khiển.

Nếu ta có nhìn gì, có nói gì, có ăn gì, có uống gì, có làm gì hay đi đâu là do quang năng của linh hồn ta quyết định. Mắt chỉ là một giác quan nhìn được nhưng không tự nó muốn nhìn gì thì nhìn; Miệng cũng vậy, không thể tự nó muốn ăn gì; muốn uống gì, muốn nói gì thì nói. Tay cũng không tự nó muốn làm gì thì làm; chân cũng không tự nó muôn đi đâu thì đi. Đó là các giác quan mà linh hồn ta có thể điều khiển được. Còn các nội tạng như tim gan, phèo phổi, bao tử thì tự chúng vận hành dù ta muốn hay không. Ta mà nín thở, nghĩa là không muốn thở thì ta chết ngay thôi.

Như vậy xét về cơ thể học, thì các giác quan, các nội tạng, các cơ bắp, máu thịt là xác thịt của ta, nó không là kẻ thù, không là đối thủ của ta nhưng là bạn hay là đầy tớ của ta mà thôi. Ta sai đâu chúng đánh đó. Khi nó đói, thì nó đòi ăn nhưng ta cho nó ăn gì thì nó ăn đó. Khát thì ta cho uống, uống bao nhiều thì do ta quyết định; vv…

Vậy thì cái gì là kẻ thù của ta đây ?

Thánh Phao-lô có nói: “Nguyện xin Thiên Chúa là nguồn bình an thánh hóa toàn diện con người anh em, để thân xác, tâm hồn và thần trí anh em được gìn giữ vẹn toàn, không gì đáng trách trong ngày Đức Giê-su Ky-tô, Chúa chúng ta quang lâm”(x.Tx 5,23). Dựa vào câu này mà các tín hữu Tin lành cho rằng con người có ba phần là Thần trí, Tâm hồn và Thân xác. Người Công Giáo thì tin con người có hai phần là Thân Xác và Linh Hồn. “Con người được ban cho một linh hồn bất tử”(GLCG 1703) và “Nhờ có linh hồn với các khả năng tinh thần là ý chí và lý trí, con người được thừa hưởng sự tự do”(GLCG 1705). Thần trí là ý chí và lý trí thuộc về tinh thần, thuộc về linh hồn. Chính THẦN TRÍ này là điều gây rắc rối, gây cản trở cho con người đây.

Trong tiếng Nhật thì phân biệt rất rõ. Thân xác là (体)KA-RA-ĐA; linh hồn là (魂)TA-MA-SHI-I; thần trí là (霊)RE-I. Thần trí: Thần: thuộc về tinh thần; Trí : là ý chí và lý trí; biết suy nghĩ, biết phán đoán và quyết định. Cái TRÍ này có thể theo thân xác hay theo linh hồn. Theo thân xác thì gọi là “Tính xác thịt”; theo linh hồn thì gọi là “theo ý Chúa”. Do có hai sự chọn lựa này mà sinh ra cuộc chiến nội tâm; mới xảy ra cuộc chiến trong con người của ta.

Theo tính xác thịt thì ta muốn dễ dãi; ham danh ham lợi; kiêu căng, ngạo mạn; lười biếng khi không muốn làm; ghen tị khi nhìn người khác; muốn thỏa mãn khi muốn ăn cho đã; muốn ngoi lên khi nói cho sướng miệng, dù là nói hành, nói xấu; noi dai, nói dại; thích của ngọt khi nghe những lời giả dối, nịnh bợ.

Theo ý Chúa thì phải chịu thương chịu khó; kiên trì, sốc vác; khiêm nhường, hạ mình. Sẵn sàng sắn tay áo lên để làm mọi việc dù to hay nhỏ; dù khó hay vất vả. Vui khi thấy người khác thành công và hạnh phúc; ăn uống, ngủ nghỉ có giờ, có giấc và điệu độ. Vươn lên từ đôi bàn tay và khối óc của mình; có nói thì nói ít, nói đủ, nói đúng và nói thật. Thích ăn mặn, biết ngậm đắng nuốt cay; biết nằm gai nếm mật; ngay thẳng, thật thà.

Theo câu của thánh Phao-lô thì “Điều tôi muốn” là điều thuộc về ý Chúa, thuộc về tinh thần, thuộc về hồn, đó là điều bẩm sinh. Bẩm sinh ai cũng muốn làm điều tốt, điều thiện hết. Thế nhưng tôi lại không làm, vì làm được điều đó thì không dễ.

“Điều tôi ghét” là điều thuộc về xác thịt, vì ai cũng ghét thói phàm ăn tục uống; ai cũng ghét thói kiêu căng ngạo mạn; ai cũng ghét nói nhiều, nói dai; nói hành nói xấu; ai cũng ghét kẻ nịnh bợ ton hót. Thế nhưng những điều đó lại rất dễ làm, không cần cố gắng học hỏi hay luyện tập gì; cho nên “tôi lại làm”. Chính vì thế mà trong ta có sự giằng co, ta phải làm gì đây?

Trước hết, ta đã rõ, thân xác ta không có liên quan gì đến chuyện đó, nó không là kẻ thù mà là bạn rất thân yêu của ta, nên ta phải giữ gìn cho nó phát triển và khỏe nạnh. Vì “linh hồn mạnh trong một thân xác khỏe mạnh” mà.

Sau là ta phải làm với cái TRÍ và cái CHÍ của ta. Ta phải học hỏi cho biết đâu là thiện đâu là ác; đâu là điều tốt, đâu là điều xấu; đâu là trái, đâu là phải; đâu là chân lý, đâu là “cùn lý”; đâu là ý Chúa, đâu là tính xác thịt, ý của thế gian, mưu kế của ma quỉ. Thứ đến ta phải biện phân chọn cái nào và làm cái nào cho tốt lành. Tốt cho mình và lành cho người khác. Để chọn và thực hành cho chính xác, ta cần phải theo Lời Chúa. Vì Lời Chúa dạy cho ta biết ý Chúa; dạy ta những điều thiện điều tốt; dạy ta chân lý, dạy ta lẽ phải.

Có thế cả xác và hồn ta đều theo ý Chúa, hướng ta về trời và ta sẽ được vào Nước Trời. Nếu có và chắc chắn là có, không nhiều thì ít những giằng co, nhưng chúng sẽ không quyết liệt và xâu xé. Càng luyện tập bao nhiêu thì ta sẽ hướng về linh hồn, hướng về Chúa, hướng về trời bấy nhiêu. Không tập ta sẽ bị tính xác thịt khống chế; bị thế gian chi phối và bị ma quỉ cám dỗ, ta sẽ hướng về đất, hướng về người đời và ta sẽ vào hỏa ngục.

Vậy ta đừng theo thói Nhị Nguyên, chia con người ta làm hai, rồi đặt ma quỉ ngang hàng với Thiên Chúa. Không. Chỉ có một Thiên Chúa làm chủ tất cả; chỉ có một con người duy nhất, hợp nhất là linh hồn ta và thân xác ta. Thân xác của ta cùng chính là ta; linh hồn của ta cũng chính là ta, chứ không phải là ai khác. Ta hãy hoàn thiện con người của ta; hãy hoàn thành cuộc đời của ta trên trần gian này, để mai sau cả xác lẫn hồn ta được vào thiên đàng. Làm sao cho ta không có cuộc chiến nội tâm, nhưng chỉ có một cuộc tiến bước nhịp nhàng cả xác lẫn hồn. Xác và hồn như hai bánh xe, chuyên chở con người và cuộc đời ta, dưới sự điều khiển của Thần Trí ta, nó sẽ chạy bon bon về thiên đàng. Nếu một trong hai bánh bị hư hay cả hai bánh đều xì lốp thì ta sẽ rơi xuống……hỏa ngục.

Ta hãy trở nên người tài xế tài ba biết luật, hiểu luật; can đảm và khéo léo để lái con người và cuộc đời của ta về tới đích, về tới bến bình an. TT