Đó là chủ đề của Đại hội Thánh Thể Quốc tế lần thứ 46 khai diễn Chúa nhật 25 tháng 5 năm 1997 tại thành phố Wroclaw, Ba Lan. Sáng Chúa nhật 1-6, Đức Thánh Cha Gioan-Phaolô II đã đích thân đến chủ sự thánh lễ bế mạc Đại hội này. Đây là lần đầu tiên trong 116 năm lịch sử (từ 1881), một Đại hội Thánh Thể Quốc tế được tổ chức tại Ba Lan, và đây cũng là Đại hội đầu tiên tại Đông Âu sau thời Chiến tranh lạnh. Chủ đề “Thánh Thể và Tự Do” có tính chất thời sự nói trên còn mang một ý nghĩa khác. Các dân tộc Đông Âu ngày nay đang phải đương đầu với những vấn đề như làm thế nào sử dụng tự do chính trị vừa khôi phục và nhất là làm sao bảo tồn được tự do nội tâm trong hoàn cảnh mới trước những cám dỗ rất mạnh mẽ do trào lưu tục hóa và duy vật thực hành gây nên.
Thực vậy, trong 8 năm qua, sau khi tiến sang chế độ tự do dân chủ (từ 1989), người ta thấy hiện tượng lạm dụng tự do cũng bành trướng mạnh tại nhiều nước Đông Âu. Tự do được hiểu như là sự buông thả về luân lý và tính dục. Trong bối cảnh trên đây, Đức Thánh Cha hy vọng Đại hội Thánh Thể tại thành phố Wroclaw sẽ góp phần giúp các tín hữu ý thức hơn về tự do đích thực theo tinh thần Ki-tô giáo. Người đã nói trong một khóa họp của Ủy ban Tòa thánh chuẩn bị Đại hội: “Trong Thánh Thể, chúng ta tìm được con đường tiến về sự giải thoát khỏi những hình thức nô lệ mới thường xuất hiện trong xã hội tân thời, chịu ảnh hưởng của trào lưu tiêu thụ và duy khoái lạc… Trong thế kỷ này cũng như trong các thế kỷ đầu tiên của Giáo Hội, Thánh Thể là bánh tự do, là lương thực nuôi dưỡng lòng can đảm và tử đạo. Xưa kia, Thánh Thể đã được cử hành trong các hang toại đạo, và đó là nguồn sinh lực nuôi dưỡng đức tin và hy vọng của các tín hữu. Trong Thánh Thể, các vị tử đạo mới, qua cuộc sống chứng tá mà nhiều khi là cái chết, đã tuyên dương giá trị sự tuân phục luật Chúa cũng như phẩm giá của lương tâm và tự do con người…”.
Những lời này cũng như chủ đề của Đại hội Thánh Thể lần thứ 46, một lần nữa, lại khai triển ý nghĩa của việc Chúa Ki-tô hiến ban Mình Máu Người qua cái chết thập giá và dưới hình sắc bánh rượu như được trình bày trong bài Tin Mừng ta đang suy niệm.
Vượt Qua, Bữa Ăn Giải Thoát
Đức Giê-su đã bị xử tử một ngày thứ Sáu, có lẽ khoảng năm 30, vào giờ các con chiên Vượt Qua bị sát tế trong khuôn viên Đền thờ (x. Ga 19,14). Nhưng ta không biết Đức Giê-su đã theo lịch nào để tổ chức bữa tiệc ly. Chỉ có một điều chắc, đó là Người đã gán tính chất “Vượt Qua” cho bữa ăn ấy. Lễ Vượt Qua, đó là đại lễ của người Do-thái mừng cuộc giải phóng khỏi Ai cập! Trong một bữa ăn theo nghi thức làm tại nhà, trong gia đình, người cha phải nhắc lại cho con cái biết chuyện tổ tiên đã được giải thoát thế nào khỏi cảnh nô lệ. Vâng, người Do-thái đã luôn ý thức mình là một dân xưa kia “nô lệ”, nhưng bây giờ “tự do”! Thiên Chúa đã can thiệp, đã trợ lực họ chống lại kẻ áp bức, giúp đỡ họ ra khỏi đất Ai cập để đi vào Đất Hứa.
Hàng năm, tại Na-da-rét, cùng với Giu-se và Ma-ri-a, Đức Giê-su đã từng cử hành bữa ăn lễ này. Người nhớ thuộc lòng tất cả diễn tiến của nghi thức: bánh, rượu, chiên, rau đắng, các lời nguyện, các thánh vịnh… Nhưng chiều hôm ấy, Đức Giê-su sắp ban một nội dung mới cho bữa ăn truyền thống này. Vì chính Người hôm nay là Nhà Giải phóng! Cái chết của Người, việc Người ra khỏi thế gian này, đối với Người là một cuộc Vượt Qua, một cuộc giải phóng, trước hết là giải phóng bản thân mình! Đây là lễ Vượt Qua “của Người”. Vì thế, Đức Giê-su đã tự mình tiên liệu hết thảy, quy định tỉ mỉ các công việc chuẩn bị. Người biết đó là cuộc hội họp sau hết của mình với bạn hữu, đó là “giờ” long trọng, là hành vi quan yếu: biến cố sắp xảy tới sẽ thay đổi lịch sử của hành tinh, và của cả nhân loại. Cái chết và sự phục sinh của Người là sự giải phóng thế giới tội lỗi.
Thánh lễ của chúng ta thì sao? Phải chăng ta đã chuẩn bị kỹ lưỡng? Biết bao Thánh lễ cử hành cẩu thả, tham dự tùy hứng, giải quyết nhanh gọn! Đến dự Thánh lễ, chúng ta có ý thức nào? Phải chăng đã xem đó là lễ hội hân hoan, là bữa ăn giải cứu, là đỉnh cao hội tụ tất cả! Hay đã biến nó nên tầm thường, nhàm chán, vô nghĩa, coi như một thời gian mất mát, một ngoặc đơn khó chịu? Phải chăng ta đã chỉ ưu tư “giữ đúng nghi thức”, “tôn trọng lễ tiết”, quên rằng chính Thánh Thể là phương tiện giải phóng, cứu thoát loài người, như chủ đề mà Đức Gioan-Phaolô II đã chọn cho Đại hội Thánh Thể quốc tế lần thứ 46?
Hiến Mình, Điều Kiện Để Tự Do
“Đang bữa ăn, Đức Giê-su cầm lấy tấm bánh, dâng lời chúc tụng, rồi bẻ ra, trao cho môn đệ…”. Chúng ta có bốn trình thuật về cảnh này: Máccô, Luca, Mátthêu và Phao-lô (1 Cr 11, 23-25). Bốn trình thuật nhất trí với nhau trên điểm chính, nhưng trình bày những công thức “truyền phép” khác nhau. Điều này dể hiểu, vì bốn trình thuật không phải là các phóng sự, song là các bản văn phụng vụ (khác nhau!) được sử dụng trong các cộng đoàn Ki-tô tiên khởi. Tuy nhiên, có thể chắc rằng các cộng đoàn ấy, gần với các biến cố, đã tôn trọng ý hướng, nếu không phải là chính các lời đọc của Đức Giê-su.
Nhưng trước hết hãy hình dung các “cử chỉ” Đức Giê-su làm. Người “cầm lấy bánh”, tấm bánh trên bàn, tấm bánh không men, tấm “bánh khổ”, vì tổ tiên Ít-ra-en bên Ai cập đã chẳng có đủ giờ làm cho bột dậy. Người “dâng lời chúc tụng”! Đây là hành vi tạ ơn, đúng như Máccô sẽ nói thế về chén rượu ở câu tiếp. Đức Giê-su cầu nguyện, “cảm tạ” Cha trong vui mừng. Rồi Người “bẻ bánh ra”! Cử chỉ này chẳng có gì độc đáo! Gia trưởng phải làm như thế để phân phát bánh cho mỗi người. Nhưng biểu tượng thì rất đẹp: tất cả đều ăn cùng một tấm bánh. Điều đó nêu bật “sự đồng bàn” vốn sẽ trở thành một ý lực nơi các cộng đoàn Kitô sơ khai. Thánh lễ là một thách thức đối với mọi khuynh hướng ích kỷ trói buộc chúng ta: đúng là chế nhạo Thánh Thể khi còn để lại “những bức tường phân cách” mà Đức Ki-tô đã phá hủy (Ep 2,14). “Thánh Thể được thiết lập để chúng ta trở thành anh em; … để chúng ta, những con người xa lạ, rải rác, lạnh lùng với nhau, trở nên những người đoàn kết, bình đẳng và thân tình. Thánh Thể được ban cho ta để từ một đám người thờ ơ, ích kỷ, sôi sục những chia rẽ và tị hiềm, trở nên một dân tộc thật sự, đầy yêu thương và tin tưởng, nhất trí đồng tâm” (Phao-lô VI).
“Rồi Người nói: Anh em hãy cầm lấy, đây là Mình Thầy”. Sau nhiều thế kỷ tranh luận, giải thích khác nhau những lời này, mọi phái Ki-tô giáo, tập hợp trong Hội đồng Đại kết các Giáo Hội năm 1974, đã đồng ý về bản văn chung sau đây: “Bữa tiệc bánh rượu ấy là bí tích, là dấu chỉ hữu hiệu và là bảo đảm cho sự hiện diện của chính Đức Ki-tô, Đấng đã thí mạng cho muôn người và đã hiến thân cho họ như Bánh sự sống; bởi thế, Bữa tiệc Tạ ơn là bí tích Mình và Máu Đức Ki-tô, bí tích diễn tả sự hiện diện đích thực của Người… Chính Thánh Thần, trong lễ tạ ơn, làm cho Đức Ki-tô thật sự có mặt và được trao ban trong bánh rượu”.
Hiển nhiên là chúng ta đứng trước một mầu nhiệm. Ngay thánh Tô-ma Aquinô, đại thần học gia về Thánh Thể thời Trung cổ, cũng đã viết rằng sự “hiện diện đích thật” ấy không có nghĩa là định vị khoanh vùng Đức Ki-tô trong bánh và rượu, hay gây ra một biến đổi lý-hóa cho những vật ấy: mọi “hình sắc, biểu diện” đều còn. Là người sáng tác ra bộ lễ Mình Thánh Chúa (Giáo Hội dùng hôm nay) tại Orvieto năm 1264, thánh Tô-ma “tin” như toàn thể Giáo Hội sơ khai, nhưng không đơn giản hóa mầu nhiệm. Người viết trong ca tiếp liên: “Điều bạn không hiểu không thấy, thì đức tin mạnh mẽ xác nhận xảy ra, ngoài luật lệ thiên nhiên thông thường. Dưới những hình sắc khác nhau, vốn là biểu hiệu chứ chẳng còn thực chất, có ẩn nấp những thực tại cao vời”. Thánh Phao-lô đã chẳng là người đầu tiên nói rằng phải có “đức tin” để “nhận ra mình và máu Chúa” sao? (1Cr 11,23-29).
Đối chiếu thân thể con người và Thân thể Mầu nhiệm Chúa Kitô (Corps Mystique du Christ, tức Hội thánh trong đó Chúa Kitô là Đầu và mọi tín hữu là từng tế bào/chi thể/bộ phận, x. Rm 12,4-5; 1Cr 12,12-13.27), chúng ta có thể tạm giải thích như sau: Một khi tôi đã đưa đồ ăn vào miệng mình, qua cuống họng, xuống dạ dày, để bắt đầu một tiến trình tiêu hóa mà nuôi dưỡng thân thể, thì đó không còn là cơm, là rau, là cá… nhưng là thịt và máu của tôi. Cũng vậy, một khi dưới tác động của Thánh Thần, qua lời “truyền phép” của linh mục chủ tế, bánh và rượu được đưa vào Thân thể Mầu nhiệm để trở thành của ăn thiêng liêng cho tín hữu, thì đó phải được gọi là Mình và Máu Chúa Kitô. Nên nhớ là Đức Giê-su đã chỉ lập phép Thánh Thể vào chính lúc Thân thể Mầu nhiệm (Hội thánh) sắp được sinh ra do cuộc tử nạn và phục sinh của Người.
Mình đó “bị nộp”, Máu đó “đổ ra cho muôn người”. Đức Giê-su biết mình sắp chết và sẽ chết ra sao. Người thế chỗ cho con chiên Vượt Qua (mà nay không còn được nói đến trong bữa ăn này nữa, đang lúc nó là thành tố chủ yếu trong nghi thức Do-thái). Ở đây Đức Giê-su gợi lại hình ảnh Vị Tôi trung của Giavê “hiến mạng cho muôn người” (Is 53,11). “Để lập Giao ước”: Thiên Chúa trở nên một thực tại duy nhất với nhân loài, một người trong “dòng dõi” chúng ta, một thành viên trong gia đình chúng ta, một “đồng minh” với chúng ta. Và điều đó được chỉ rõ qua cái thâm sâu nhất và sống động nhất trong chúng ta: máu! Chỉ tự do đích thật khi có tình yêu đích thật, nhưng chỉ có tình yêu đích thật khi thật sự “đổ máu” chính mình! Tự do đích thật đòi hỏi thế!