Tình yêu “agape” là gì?

58

Tình yêu “agape” là gì?

Ngôn ngữ Hy Lạp cổ đại có bốn hạn từ để mô tả các loại tình yêu khác nhau: agapephileoeros và storge. Tân ước chỉ sử dụng hai trong bốn hạn từ này: agape (tình yêu hy sinh bản thân) và phileo (tình yêu anh em).

AGAPE thường được dịch là “tình yêu” trong các bản văn Tân ước. Có gì khác biệt giữa “tình yêu agape” với các loại tình yêu khác?

Bản chất của agape là thiện chí, nhân từ và chủ ý thích thú  với đối tượng của tình yêu. Không giống như từ “love” (yêu) thường dùng trong tiếng Anh, agape không được sử dụng trong Tân ước để chỉ tình yêu lãng mạn hoặc tình yêu tính dục. Nó cũng không đề cập đến tình bạn thân thiết hay tình yêu anh em, là nghĩa của từ Hy Lạp philia. Tình yêu agape liên quan đến một cam kết trung thành và một hành động theo ý chí. Nó được phân biệt với các loại tình yêu khác bởi bản chất đạo đức cao quý và tính cách mạnh mẽ của nó. Tình yêu agape được mô tả tuyệt vời trong “Bài ca Đức Ái” (1Cr 13).

Ngoài Tân ước, agape được sử dụng trong nhiều ngữ cảnh khác nhau, nhưng nơi phần lớn các trường hợp trong Tân ước, từ này mang ý nghĩa riêng biệt. Agape hầu như luôn được dùng để mô tả tình yêu đến từ Thiên Chúa, vì bản chất của Ngài chính là tình yêu: “Thiên Chúa là Tình yêu (Θεὸς ἐστίν ἀγάπη)” (1 Ga 4,8). Thiên Chúa không chỉ đơn thuần là tình yêu, nhưng vượt xa hơn thế, bản tính của Ngài là tình yêu. Mọi việc Chúa làm đều bắt nguồn từ tình yêu của Ngài. Agape cũng được dùng để mô tả tình yêu của chúng dành cho Thiên Chúa (Lc 10,27), lòng kính trọng trung thành của tôi tớ đối với chủ (Mt 6,24) và sự gắn bó của con người với mọi vật (Ga 3,19).

Tình yêu đặc trưng này của Thiên Chúa không phải là thứ tình cảm chai sạn, ủy mị như nó thường được miêu tả. Thiên Chúa yêu thương vì đó là bản chất của Ngài và yêu thương là thể hiện bản tính của Ngài. Ngài yêu thương những người không đáng yêu và không dễ yêu thương. Thiên Chúa yêu thương con người không phải vì chúng ta xứng đáng hay xuất sắc, nhưng vì tự bản chất là tình yêu nên Ngài phải sống đúng với bản chất của mình.

Tình yêu agape luôn được thể hiện bằng hành động. Tình yêu của Thiên Chúa được thể hiện rõ ràng nhất trên thập giá. “Nhưng Thiên Chúa giàu lòng thương xót và rất mực yêu mến (ἀγάπην) chúng ta, nên dầu chúng ta đã chết vì sa ngã, Người cũng cho chúng ta được sống cùng với Đức Kitô. Chính do ân sủng mà anh em được cứu độ” (Ep 2,4-5). Chúng ta không đáng được Thiên Chúa hy sinh như vậy “nhưng Thiên Chúa đã chứng tỏ lòng yêu thương (ἀγάπην) của Người đối với chúng ta;  ngay khi chúng ta còn là những người tội lỗi, Đức Kitô đã chết vì chúng ta” (Rm 5,8). Tình yêu agape của Thiên Chúa là tình yêu vô bờ bến, nhân hậu và không ngừng tìm kiếm lợi ích cho những người Ngài yêu thương. Kinh thánh cho biết chúng ta là những người nhận được tình yêu dồi dào của Thiên Chúa (x. 1Ga 3,1).

Chúng ta phải yêu tha nhân bằng tình yêu agape này, cho dù họ là đồng loại, tín hữu (x. Ga 13,34-35) hay là kẻ thù (Mt 5,44). Chúa Giêsu đã đưa ra dụ ngôn về người Samaritanô nhân hậu như một ví dụ về sự hy sinh cho lợi ích của người khác, ngay cả đối với những người có thể chẳng liên quan gì đến chúng ta. Tình yêu agape theo khuôn mẫu của Đức Kitô không dựa trên cảm tính; đúng hơn, đó là một hành động kiên quyết của ý chí, một quyết tâm luôn đặt lợi ích của người khác lên trên lợi ích của chúng ta.

Tình yêu agape không tự nhiên đến với chúng ta. Bởi vì bản chất sa ngã của mình, chúng ta không có khả năng tạo ra một tình yêu như vậy. Nếu chúng ta yêu như Chúa yêu, thì tình yêu đó chỉ có thể đến từ chính Thiên Chúa – Nguồn cội của tình yêu agape. Đây là tình yêu “đã tuôn đổ trong lòng chúng ta qua Chúa Thánh Thần, Đấng đã được ban cho chúng ta” khi chúng ta trở thành con cái của Ngài (Rm 5,5; Gl 5,22). “Căn cứ vào điều này, chúng ta biết được tình yêu là gì: đó là Đức Kitô đã thí mạng vì chúng ta. Như vậy, cả chúng ta nữa, chúng ta cũng phải thí mạng vì anh em” (1Ga 3,16). Nhờ tình yêu Thiên Chúa đã dành cho chúng ta mà chúng ta có thể yêu thương nhau.

Nguồn: https://www.gotquestions.org/agape-love.html

Previous articleGiáo lý hôn nhân Công Giáo
Next articleNhững loại “tình yêu” được đề cập trong Kinh thánh