Hàng xóm của bạn có một đứa bé kháu khỉnh đáng yêu, bạn thấy quý nó vô cùng. Mỗi ngày bạn đều cho một đứa trẻ ăn kẹo. Bạn làm điều đó rất tự nguyện, thường xuyên và vui vẻ. Đứa trẻ ấy cũng có vẻ yêu bạn. Mỗi ngày thấy bạn, nó đều cười tươi và chạy đến nhận kẹo.
Rồi một ngày kia, bạn gặp chút mệt mỏi và quên bẵng mất mình đã hết kẹo mà chưa đi mua. Gặp đứa bé trên đường đi làm về, bạn xoa đầu nó và bảo: “Chú hết kẹo rồi”. Bỗng dưng bạn thấy thái độ của nó lập tức thay đổi. Nó thờ ơ, lạnh lùng gào ầm lên rằng bạn keo kiệt, bạn xấu xa. Hoặc nó đi khắp nơi nói nói với mọi người rằng bạn không còn tốt với nó nữa.
Triết lý viên kẹo có nghĩa là khi bạn cho ai khác một thứ gì, nhiều khi họ sẽ không nghĩ ấy là món quà, họ nghĩ đó là bổn phận, là trách nhiệm. Khi bạn không cho thứ mà họ muốn nữa, họ sẽ lập tức trở mặt với bạn. Nếu ở trong hoàn cảnh đó liệu bạn có thể tiếp tục “cho đi” nữa hay không? Với nhiều người, cho dù bạn có cho họ kẹo mỗi ngày, thì họ cũng chỉ nhớ mỗi một ngày mà bạn đã không cho mà thôi.
Bạn là một người chân thành và cởi mở, luôn nhiệt tình đối với bạn bè. Những gì bạn mình cần giúp đỡ, nếu trong khả năng thì bạn chẳng hề chối từ. Bạn bè của bạn dần dần quen với việc họ cần người an ủi bạn sẽ đến, họ thiếu tiền, bạn sẽ giúp,… Bạn như thể luôn là một người lớn, người hùng trong mắt bạn bè, mỗi khi họ cần thì bạn sẽ có trách nhiệm đến an ủi động viên. Đến một hôm, họ trách bạn rằng không còn đối xử tốt với người ta nữa. Nhưng họ lại không chịu nhớ rằng ngày cô ấy cãi nhau với sếp thì bạn lại vừa mất một cơ hội thăng tiến.
Bạn là một nhân viên mẫn cán nhất phòng, không ngại ôm nhiều việc, chẳng ngại làm thêm giờ. Bạn luôn tâm niệm rằng chỉ cần công việc tốt lên là được, tính toán thiệt hơn gì việc ai làm ít ai làm nhiều làm gì. Bạn không phải là người nhanh nhẹn nhất nhưng sẽ luôn là người cần mẫn nhất. Bạn không phải là người giỏi nhất nhưng sẽ là người chăm chỉ nhất.
Bất chợt đến một ngày, bạn cảm thấy mình đuối sức. Bạn cảm thấy mình cần về nhà sớm và bạn cảm thấy mình cần có người chia sẻ công việc. Sếp dường như trở thành một người khác, đánh giá thấp kỹ năng của bạn, cho rằng những cố gắng của bạn bằng 0 và phóng đại cả những khuyết điểm của bạn lên nữa chứ.
Bạn làm việc hết mình chẳng tính toán thiệt hơn. Nhưng sếp bạn có thể lại cho rằng đó là bổn phận, trách nhiệm của bạn. Trực ngoài giờ, là trách nhiệm của bạn. Không để khách hàng nào khiếu nại, là trách nhiệm của bạn. Hoàn thành công việc sớm, là bổn phận bạn cần làm.
Đồng nghiệp thì lại cho rằng bạn đang lười biếng, đang buông bỏ. Bạn đang đùn đẩy trách nhiệm cho họ, khiến tự nhiên họ phải làm những việc trước đây chẳng phải động tay. Dù bạn có làm 200% sức lực thì đến hiện tại điều đó đã trở thành nghĩa vụ- mà bạn phải thế. Cho nên, khi bạn chỉ làm đủ 100% những việc cần, mọi người cho rằng bạn chưa hoàn thành đủ trách nhiệm của mình.
Bài học này thật sự quan trọng trong cuộc sống chúng ta. Những điều chân thành từ tấm lòng của bạn không phải ai cũng xứng đáng để nhận. Hãy biết chọn lựa để bản thân không phải hối tiếc những gì bạn đã “cho đi”. Có thể bạn cần cân nhắc lại về việc “cho đi” đối với những người thật sự xứng đáng hơn.