Truyền Thông Công Giáo Việt Nam Cơ Hội Hay Thách Đố?
Dẫn Nhập
“Truyền mà không thông!”, đó là điều nhiều người hay nhắc đến mỗi khi đề cập đến lãnh vực truyền thông. Những từ ngữ như Truyền Thông Đại chúng, Truyền Thông Xã Hội, Mục vụ Truyền Thông v.v… ngày nay không còn xa lạ gì ngay cả với giới bình dân. Các phương tiện truyền thông hiện đang phát triển với tốc độ chóng mặt, xóa đi mọi biên giới địa lý, đem thông tin tức thời về những chuyện xảy ra trên khắp thế giới đến cho mọi người ở mọi ngõ ngách cuộc sống. Báo chí, truyền thanh, truyền hình, điện thoại và hiện nay internet đã có mặt khắp nơi, và hầu như ai cũng có thể sử dụng. Khả năng của các phương tiện truyền thông cũng tăng lên rất nhanh cả về tốc độ, phẩm chất lẫn số lượng! Những cuộc Hội Nghị “liên lục địa” nhờ các kỹ thuật mới (tele-conference) không còn là chuyện tưởng tượng. Ngôi làng toàn cầu ngày càng như thu hẹp lại khi mạng điện toán đạt những kỷ lục truyền dữ liệu nhanh hơn cả tốc độ của ánh sáng… Truyền thông mở ra nhiều cơ hội mới, giúp gây ý thức cho nhân loại về những nhu cầu kinh tế, xã hội, chính trị, văn hoá và cả tâm linh nữa (UNESCO, Many Voice, One World – Communication and Society Today and Tomorrow. (London: Biddles Ltd, Guildford & Kings Lynn, 1980), 13). Thế nhưng những điều đó có làm cho con người hạnh phúc hơn không? Giáo Hội đã có cái nhìn như thế nào và đã tận dụng những khả năng lớn lao của truyền thông cho công cuộc truyền giáo ra sao? Đó là những suy tư mà bài viết này nhắm đến!
BISCOM VI (The Sixth “Bishops Institute for Social Communication”) là tên cuộc họp của Liên Hội Đồng Giám Mục Á Châu (LHĐGMAC) về Truyền Thông mới đây tại Bangkok, bắt đầu từ ngày 28/05 và kết thúc vào ngày 02/06/2007. Chủ đđề của Hội Nghị: “Quy hướng việc truyền thông về thừa tác vụ ở Châu Á – Các kỹ thuật truyền thông hiện đại cho Giáo hội.” Đây là lần đầu tiên Phái đoàn của Ủy Ban Truyền Thông Xã Hội thuộc Hội Đồng Giám Mục Việt Nam (HĐGMVN) chính thức tham dự một Hội Nghị Quốc Tế về truyền thông. Phái đoàn gồm có Đức Cha Phêrô Nguyễn văn Đệ, GM Phụ Tá Giáo Phận Bùi Chu – Chủ tịch Ủy Ban Truyền Thông Xã Hội, Cha Antôn Nguyễn Ngọc Sơn – Thư ký Hội HĐGMVN kiêm Phó Chủ tịch Ủy Ban Truyền Thông Xã Hội, Đức Cha Micae Hoàng Đức Oanh – GM GP Kontum và Cha Bartôlômêô Nguyễn Đình Phước – Thư Ký TGM GP Kontum (http://www.hdgmvietnam.org/ demo/Tin-Tuc-Giao-Hoi-Cong-Giao/2007/5/F868B389CB2/default.aspx, truy cập ngày 25/07/2007). Những thông tin của cuộc họp này đã được chuyển đi nhanh chóng qua mạng internet và các báo đài, giúp đồng bào công giáo Việt Nam khắp nơi thêm phấn khởi.
Từ trước đến nay, các phương tiện Truyền Thông Xã Hội vẫn được Giáo Hội quan tâm rất nhiều vì tầm ảnh hưởng lớn lao của chúng trên mọi bình diện cuộc sống. Công đồng Vatican II và nhiều tài liệu khác nhau của Giáo Hội không ngừng đề cập đến lãnh vực truyền thông trong đời sống Giáo Hội (Paul Soukup, Church Documents and the Media, trong Tạp chí Concilium – International Journal for Theology, Số 6 / 1993, Chủ đề: Mass Media, 71-78). Chính Công đồng đã đề xướng việc cử hành Ngày Truyền thông Quốc tế, và hàng năm vào dịp này, các Đức Giáo Hoàng đều gởi đến cho toàn Giáo Hội một Sứ điệp Truyền thông đặc biệt với những chủ đề khác nhau. Đây là nguồn tài liệu quý với những định hướng cụ thể cho từng giai đoạn lịch sử, mời gọi Giáo Hội tại mỗi địa phương – đặc biệt là những Ủy Ban về Truyền Thông và các cơ quan Truyền thông Công Giáo – truyền đạt rộng rãi và áp dụng cho hoàn cảnh của mình. Nhưng tại Việt Nam, mãi đến Hội Nghị thường niên lần thứ 27 của HĐGMVN vào tháng 9 năm 2006 vừa qua tại Huế, HĐGMVN mới chính thức thành lập Ủy Ban Truyền Thông Xã Hội (UBTTXH) và bổ nhiệm Đức Cha Phêrô Nguyễn văn Đệ làm Chủ tịch. Việc tham dự Hội Nghị BISCOM VI là một cơ hội tốt đẹp để UBTTXH VN cập nhật những thông tin mới liên quan đến lãnh vực Truyền Thông Xã Hội, và cũng là dịp làm quen, kết nối nhịp cầu thông tin với các cơ quan Truyền Thông CG và các UBTTXH của các quốc gia trong vùng.
Ngày 17/07/2007 tại trung tâm Công Giáo TP. HCM đã diễn ra buổi họp của UBTTXH / HĐGMVN nhằm soạn thảo quy chế hoạt động và nội quy của UBTTXH cho các hoạt động trong tương lai. Các tham dự viên gồm đủ mọi thành phần: Giám mục, linh mục, tu sĩ, giáo dân, cùng nhau vạch ra định hướng tương lai và dự thảo các hoạt động để trình lên HĐGMVN trong Hội Nghị thường niên lần tới, sẽ tổ chức tại Hà Nội vào tháng 10/2007 (http://www.hdgmvietnam.org/demo/Tin-Tuc-Hoat-Dong-Uyban/UBTruyenThongXaHoi/2007/7/F868 B389C2/default.aspx, truy cập ngày 25/07/2007). Hy vọng rằng trong tương lai gần đây, những khả năng rộng lớn của các phương tiện Truyền Thông Xã Hội sẽ được phát huy hữu hiệu hơn nữa trong công cuộc Loan báo Tin Mừng. Đó thật sự là những tín hiệu đáng mừng cho đời sống niềm tin của người tín hữu trên quê hương Việt Nam. Nhân đây người viết xin được nêu lên một vài yếu tố nền tảng và những định hướng cần thiết cho hoạt động Truyền Thông Công Giáo.
1. Một Nền Thần Học Truyền Thông
Tiêu đề này nghe có vẻ lạ tai đối với nhiều người… Thực ra ngay từ khi Công đồng Vatican II kết thúc, trong Giáo Hội đã có những nghiên cứu và đề xướng nhiều lối tiếp cận khác nhau cho một nền Thần Học Truyền Thông. Hiến Chế Tín Lý về Mạc Khải của Thiên Chúa (Dei Verbum – DV) nói về Mạc Khải như việc Thiên Chúa “truyền thông chính mình” (self-communication) cho nhân loại (DV 6). Đó là bước khởi xướng cho mọi hoạt động truyền thông của con người với nhau. Sắc Lệnh về các Phương Tiện Truyền Thông Xã Hội của công đồng (Inter Mirifica – IM) năm 1963 được xem là tài liệu đầu tiên trình bày lập trường chính thức của Giáo Hội về vấn đề truyền thông xã hội. Trước đó đã có một số các văn kiện của các Đức Giáo Hoàng liên quan đến các phương tiện truyền thông, nhưng không đầy đủ và bao quát như Inter Mirifica. Sắc lệnh nói rõ: “Giáo Hội Công Giáo nhận thấy mình có bổn phận dùng các phương tiện truyền thông xã hội để loan báo ơn cứu độ, và dạy con người biết sử dụng chúng cho đúng đắn…” (IM #3)
Huấn thị Mục Vụ Communio et Progressio năm 1971 đã thực sự nhấn mạnh vai trò quan trọng của Truyền Thông Xã Hội trong thế giới và đời sống của toàn nhân loại. Paul Soukup, 72-73. Bài viết khá nổi tiếng của tác giả Avery Dulles Dòng Tên trong Tạp chí Catholic Mind tháng 10 năm 1971 mang tựa đề “Giáo Hội là truyền thông” (Church Is Communications), nhắc đến sự hiện hữu của Giáo Hội nhằm đem nhân loại trở về sự hiệp thông với Thiên Chúa bằng cách mở ra sự truyền thông giữa con người với nhau. Như thế Giáo Hội chính là một mạng lưới truyền thông rộng lớn được thiết kế để đưa con người ra khỏi sự cô lập và bất hòa đến chỗ hiệp thông với Thiên Chúa trong Đức Kitô. Avery Dulles. “Church Is Communications,” trong Catholic Mind (tháng 10, 1971), 2. Ngài đã mạnh mẽ khẳng định “Các phương tiện truyền thông điện tử đang nắn đúc nên một thế giới mới, và thậm chí cả một thế hệ nhân loại mới…. Giáo Hội phải tận dụng các phương tiện Truyền Thông Xã Hội đó cho sứ vụ rao giảng Tin Mừng trong thế giới hôm nay” (Avery Dulles, 13).
Gần đây hơn từ những năm 1990, các nhà thần học – đặc biệt tại Áo và Đức (Innsbruck, Tuebingen) – đã phát triển lý thuyết về Thần Học Truyền Thông, mở rộng sự hiểu biết của con người như một nền thần học phản ánh những tập quán về truyền thông trong sự hiệp thông giữa các tín hữu. Lý thuyết này xem thần học như là “một hành động truyền thông” giữa các tín hữu trong một cộng đoàn sống động (Habermas). Nền tảng chung vẫn chính là Mạc khải của Thiên Chúa được phản ánh trong khả năng truyền thông của con người (Scharer/Hilberath). Dần dần nhiều thần học gia muốn đặt toàn bộ nền thần học dưới nhãn quan truyền thông. Truyền thông trở thành nguyên lý thần học, hay nói cách khác đó là chìa khóa để mở ra những hiểu biết mới về Thần học.. Những nội dung trình bày trong phần này dựa trên tài liệu của cha Eilers, SVD (Xin xem Franz-Josef Eilers, (Ed.) Communicating in Ministry and Mission. [Manila: Logos Publications. 2004] 17-18). Những nghiên cứu khác cho thấy nguồn gốc của truyền thông cũng bắt đầu từ Mạc Khải Kitô giáo, có đề tài trọng tâm là những hiểu biết của người tín hữu về Thiên Chúa và thế giới. Nhà thần học Đức Gisbert Greshake chỉ ra rằng khái niệm thần học về truyền thông đã được chuẩn bị từ nền Triết học Hy lạp, và cuối cùng được thể hiện trong khái niệm về chiều kích Kitô học và về mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi. Dưới nhãn quan của các lý thuyết truyền thông hiện đại, Greshake xác tín rằng: “Thiên Chúa chính là Truyền thông. Ngài truyền thông chính mình cho thế giới và làm cho tạo vật có khả năng truyền thông, nhờ đó tạo vật trở nên giống Ngài trong sự truyền thông và đạt đến sự hiệp thông gần gũi với Thiên Chúa” (Eilers, 19-20).
Đức Hồng Y Carlo M. Martini đã phát triển một lối tiếp cận tương tự như thế đối với hoạt động truyền thông trong Chương trình Mục Vụ của Ngài năm 1990 cho Tổng Giáo phận Milan. Ngài nhận thấy bất cứ việc truyền thông nào của nhân loại cũng đều bắt nguồn từ mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi, nơi mọi tạo vật được dựng nên và hiện hữu. Khi dựng nên con người giống hình ảnh Ngài (Stk 1,26; Kng 2,23), Thiên Chúa đã trao cho họ khả năng thiết lập những mối tương quan truyền thông với nhau. Theo Hồng Y Martini, Tin mừng Lễ Hiện Xuống chính là “Tin mừng Truyền thông” vì chính nơi biến cố đó Thiên Chúa truyền thông chính Ngài cho chúng ta, làm chúng ta có khả năng truyền thông với Thiên Chúa và với nhau, đồng thời gỡ bỏ mọi chướng ngại trong lãnh vực truyền thông. Biến cố này khai mở lại những “kênh truyền thông” đã bị đóng kín từ biến cố tháp Babel và nối lại tương giao giữa con người với Thiên Chúa nhân danh Đức Giêsu Kitô. Đó cũng là biến cố khai sinh Giáo Hội như là dấu chỉ và khí cụ truyền thông giữa con người với Thiên Chúa, đồng thời cũng là dấu chỉ và khí cụ hiệp nhất giữa con người với nhau (Carlo Martini, Communicating Christ to the World, (Kansas City, MO: Sheed & Ward, 1994) 5-11).
Karl Rahner đi từ khái niệm Thiên Chúa “truyền thông chính mình” của Công đồng Vatican II (DV6) để trình bày về truyền thông trong lịch sử cứu độ. Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II tiếp nối dòng suy tư này trong Tông thư và Chúa Thánh Thần “Dominum et Vivificantem” năm 1988. Ngài đã phát triển những nguyên tắc nền tảng cho nền thần học về sự truyền thông chính mình của Thiên Chúa, khi sử dụng và minh họa đến hơn 10 lần cách diễn đạt này. Theo Ngài, việc truyền thông nội tại của Thiên Chúa Ba Ngôi cũng trở nên sự truyền thông chính mình cho nhân loại qua việc tạo dựng con người giống hình ảnh Ngài nhờ tác động của Chúa Thánh Thần. Thiên Chúa lại tiếp tục truyền thông chính mình trong trật tự của tạo vật và ân sủng, cho đến khi thời gian viên mãn, việc truyền thông chính mình của Thiên Chúa thể hiện nơi việc Nhập thể trong Đức Giêsu Kitô mà đỉnh cao là mầu nhiệm Cứu Độ – chết và Phục Sinh của Ngài. (Dominum et Vivificantem Số 23). Với biến cố Hiện Xuống, việc truyền thông chính mình của Thiên Chúa được hoàn tất nơi Đức Kitô và chứng tá của các Tông đồ, tiếp tục nối dài trong Giáo Hội nhờ Đấng Bảo Trợ là Thần Khí Chân lý. Việc chúng ta “tự hiến chính mình” vì yêu thương chính là sự truyền thông của con người theo mẫu mực truyền thông chính mình của Thiên Chúa, vì Người đã tự hiến trước. Đức Gioan Phaolô II nhận thấy Chúa Thánh Thần chính là nguyên lý trực tiếp và chủ thể của việc Thiên Chúa truyền thông chính mình trong trật tự của ân sủng” (Eilers, 21-23).
Có thể nói như Bernard Lonergan: “Truyền thông chính là chiều kích thiết yếu cho mọi nền Thần học.” Bernard Lonergan, Methodology in Theology, 1971. Thần học về truyền thông có thể được xem xét trong bốn bước: Truyền thông nội tại của Thiên Chúa Ba Ngôi, Việc Mạc Khải trong Cựu Ước, Mầu nhiệm Nhập thể của Đức Giêsu Kitô với những hệ lụy của nó, và nơi Giáo Hội được sai đi để tiếp nối sứ vụ truyền thông Tin Mừng Nước Thiên Chúa cho toàn nhân loại (Eilers, 24-28). Như thế lịch sử cứu độ chính là lịch sử “truyền thông chính mình” của Thiên Chúa, từ cung lòng Ba Ngôi mở ra cho mọi tạo vật. Người tạo dựng con người giống hình ảnh Người, nghĩa là có khả năng truyền thông và sống trong một cộng đoàn hiệp thông. Người mạc khải cho con người trong dòng lịch sử qua dân được chọn, mà việc Nhập thể của Đức Giêsu Kitô chính là đỉnh cao và sự viên mãn của việc truyền thông. Giáo Hội tiếp nối công cuộc truyền thông đó cho đến tận cùng thời gian dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần như “tác nhân của việc Thiên Chúa truyền thông chính mình”. Nơi cộng đoàn Giáo Hội, việc Thiên Chúa truyền thông chính mình được thể hiện không ngừng qua chức năng loan báo và sự hỗ trợ cộng đoàn trong đời sống niềm tin (Eilers, 29). Những nghiên cứu mang tính hệ thống để hình thành một nền Thần Học Truyền Thông đầy đủ, thuyết phục và đáp ứng được những đòi hỏi của thời đại hiện nay vẫn đang còn mở ngỏ (Xin tham khảo thêm bài dịch của LM Đặng Xuân Thành, “Thần Học về Truyền Thông – Nền Tảng cho việc Đào Tạo Truyền Thông Xã Hội,” Maranatha 96 (ngày 29 tháng 7/2007)).
2. Truyền thông trong bối cảnh Giáo Hội tại Á Châu hôm nay
Vào tháng 4 năm 1974, Liên Hội Đồng Giám Mục Á Châu (LHĐGMAC) chính thức tổ chức Hội Nghị Khoáng đại đầu tiên tại Đài Bắc – Đài Loan với chủ đề “Công cuộc Phúc Âm Hóa cho thời Hiện Đại tại Á Châu” (Federation of Asian Bishops Conferences – FABC I) (James Kroeger, Becoming Local Church. (Quezon City: Claretian Publications, 2003), 32-33). Từ đó đến nay trải qua hơn 30 năm, đã có 120 tập san FABC phổ biến nội dung các Khóa họp của LHĐGMAC. Đây là những tài liệu quý báu, thể hiện rõ nét quan điểm của LHĐGMAC về viễn cảnh tương lai của công cuộc Phúc Âm Hóa trên lục địa lớn lao này. Đặc biệt các tài liệu FABC nêu lên những thách đố cho các Giáo Hội địa phương tại Á Châu trong bối cảnh cụ thể của mình, những nhu cầu cần canh tân đời sống, đào luyện con người, đáp trả những dấu chỉ của thời đại, và nhất là có những chọn lựa căn bản đứng về phía người nghèo, Hội nhập văn hoá, Đối thoại và Hiệp thông… Mỗi tài liệu có thể do những thần học gia khác nhau trong toàn vùng Á Châu đóng góp. Tài liệu mới nhất, FABC số 120, được soạn thảo do Văn Phòng đặc trách các quan tâm về Thần học (FABC Office of Theological Concerns), có chủ đề là “Tôn Trọng Sự Sống Trong Bối Cảnh Á Châu”. Tài liệu này nêu lên những hoàn cảnh đe dọa sự sống con người đang không ngừng gia tăng tại Á Châu hôm nay, như vấn đề phá thai, phân biệt giới tính, an tử, án tử hình, bạo lực, khủng bố, các nhóm cực đoan quá khích… (FABC #120, 2-9). Tài liệu này còn cho thấy những truyền thống tôn giáo và văn hoá Á Châu luôn tôn trọng, cổ võ cho sự sống. Đó là lời mời gọi cho các Giáo Hội tại Á Châu nhìn lại sứ mạng của mình, đào sâu các giáo huấn từ Kinh Thánh và Huấn quyền để sống chứng tá Tin mừng Sự Sống cho Á Châu. Đặc biệt phần cuối của tài liệu nhắc đến truyền thông như là một công cụ vẫn chưa được sử dụng hữu hiệu tại Á Châu để cổ võ cho nền văn hoá sự sống (FABC #120, 47-49).
Thành quả cụ thể của các cuộc Hội Nghị Khoáng đại của FABC còn thể hiện nơi các Văn phòng được lập ra. Đó chính là những bàn tay nối dài của FABC để giải quyết các mảng vấn đề khác nhau liên quan đến đời sống của Giáo Hội Á Châu. Mỗi Văn phòng có thể tổ chức các cuộc họp tùy theo nhu cầu, có thể đứng tổ chức độc lập hoặc phối hợp với các Cơ quan khác như các Hội Đồng thuộc quyền Giáo Hoàng có liên quan… Xin được giới thiệu qua các Văn phòng của FABC như sau:
– OESC (Office of Education and student Chaplaincy): Văn Phòng đặc trách Công tác Giáo dục và Tuyên Úy Sinh Viên.
– OHD (Office of Human Development): Văn Phòng đặc trách việc Phát triển Con người.
– OL (Office of Laity): Văn Phòng đặc trách Giáo dân.
– OEIA (Office of Ecumenical and Inter-Religious Affairs): Văn Phòng đặc trách các Vấn đề đối thoại Liên tôn và Đại Kết.
– OSC (Office of Social Communication): Văn Phòng đặc trách Truyền thông Xã Hội.
– OE (Office of Evangelization): Văn Phòng đặc trách Công Cuộc Phúc Âm Hoá.
– OTC (Office of Theological Concerns): Văn Phòng đặc trách các mối Quan tâm Thần học.
Trong phạm vi bài viết này, xin được dừng lại nơi hoạt động của FABC – OSC, là Văn Phòng đặc trách về Truyền thông Xã Hội. Trong các cuộc Hội Nghị Khoáng đại của FABC tại Bandung năm1990 và tại Manila năm1995, các Giám Mục Á Châu đã trao đổi nhiều về tầm quan trọng của Truyền Thông Xã Hội và quyết định thành lập Văn Phòng đặc trách Truyền thông Xã Hội (OSC) đồng thời tổ chức cuộc họp đầu tiên (BISCOM I) từ ngày 8 đến 12 tháng 7, năm 1996 tại Tagaytay – Philippines với chủ đề “Các thách đố về Truyền thông cho Giáo Hội tại Á Châu”. Một nguyên do cho cuộc họp và chủ đề được chọn là vì năm 1995 ĐGH Gioan Phaolô II kêu gọi các GM Á Châu về trách nhiệm cổ võ – trong sự khôn ngoan và trung thành – các phương tiện truyền thông phù hợp nhất cho việc loan báo Tin Mừng đến các nền văn hoá đa dạng của Á Châu. ĐGH khẳng định rằng: “Trong thời điểm Giáo Hội tiến về năm thánh kỷ niệm 2000 năm Chúa giáng sinh, việc loan báo Tin Mừng Cứu độ qua các phương tiện truyền thông đại chúng là trách nhiệm đặc biệt và cũng là cơ hội đặc biệt cho chúng ta” (FABC-OSC I, Communication Challenges in Asia, Tagaytay tháng 7, 1996).
Ngoài việc đưa ra những định hướng cụ thể cho tương lai, các tham dự viên của Hội Nghị đồng ý trên các tiêu chí lượng giá gồm có:
a) Kế hoạch Mục vụ về truyền thông (tình hình chung, nhân sự và nguồn đã có, kế hoạch sử dụng nguồn lực, các mục tiêu hành động, phương cách giám sát thành quả.)
b) Các đối tượng cần quan tâm đặc biệt: phụ nữ, gia đình, di dân, môi sinh, giới trẻ.
c) Việc nối kết mạng lưới giữa các GH địa phương và cả với những người khác niềm tin trong các lãnh vực sản xuất chương trình, đào tạo nhân sự và chia sẻ các nguồn lực.
d) Các Hội Đồng GM các nước cần:
– Xem xét lại các mối tương quan với công luận và hành xử thích ứng, có những chỉ dẫn để ý thức hơn vấn đề này.
– Trong HĐGM mỗi nước và giữa cá nhân các GM Á Châu cố gắng liên lạc với nhau thường xuyên qua email.
– Tổ chức các Liên Hoan Truyền thông (chẳng hạn Liên hoan Phim) trong nước hoặc các khóa huấn luyện mở ra cho tham dự viên các nước Á Châu khác.
e) Mỗi nước cần có UBTTXH của HĐGM / một Văn Phòng đặc trách về Truyền thông Xã Hội cho cả nước để bảo đảm rằng các Giáo phận thực hiện những nhiệm vụ đã đề ra.
– Các Văn Phòng đặc trách về Truyền thông Xã Hội của HĐGM nên khuyến khích các tài năng trẻ, đặc biệt là giáo dân, tham gia vào hoạt động truyền thông. Những tài năng như thế có thể được chia sẻ ở cấp toàn châu lục, với sự hỗ trợ của FABC-OSC.
– Bất cứ tài liệu quan trọng nào gởi đến cho các GM cũng cần có một bản tóm kết đã thông qua, soạn theo mẫu đơn giản được Văn phòng Truyền thông cấp quốc gia chấp nhận.
– GM Chủ tịch Văn Phòng đặc trách về Truyền thông Xã Hội mỗi quốc gia nên gởi một trang thông tin, nêu rõ những điểm chính mà cuộc họp FABC-OSC đã ký thác cho mình, đến cho các GM trong nước cũng như những người thao thức cho công tác truyền thông.
– Đối với việc đào tạo về truyền thông, cần có một nỗ lực chính thức do GM Chủ tịch Văn Phòng Truyền thông quốc gia thực hiện cho đất nước mình. Cần có kế hoạch giáo dục truyền thông đại chúng và đào tạo gây ý thức về truyền thông cho mọi cấp, đặc biệt là trong các Đại chủng viện. Cần tổ chức Hiệp hội quốc gia về giáo dục truyền thông và sắp xếp các Khóa Huấn luyện cho người làm công tác đào tạo, để cung cấp đủ nhân sự cho công tác giáo dục truyền thông cấp quốc gia và châu lục.
Như thế Giáo Hội tại Việt Nam do hoàn cảnh cụ thể của mình xem ra đã bắt đầu trễ đến hơn 10 năm so với các nước trong vùng. Ngày nay, tình hình đã dễ dàng hơn, nhiều vị Chủ chăn đã âm thầm đầu tư nhân sự cho địa phận của mình, hơn nữa lại có rất nhiều anh chị em đầy tài năng ở Hải ngoại giúp sức, chắc chắn GHVN sẽ có thể hội nhập nhanh chóng với Giáo Hội tại các nước Á Châu khác. Hy vọng rằng trong tương lai gần đây các tài liệu của FABC, đặc biệt là của Văn Phòng đặc trách về Truyền thông OSC, sẽ được UBTTXHGHVN cùng với các cộng tác viên giúp chuyển ngữ, phổ biến đến nhiều người.
3. Làm một cái gì cho quê nhà tôi…
Nhạc sĩ Ý Vũ đã có một bài hát mời gọi mọi người thắp lên chút ánh sáng chứ đừng ngồi “nguyền rủa bóng đêm”. Mỗi người công giáo Việt Nam chúng ta không ít thì nhiều đều có thể có những đóng góp trong lãnh vực truyền thông quan trọng này. Đóng góp đó có thể là những lời cầu nguyện không ai biết đến của những cụ già, những bà mẹ quê, đang “truyền thông” với Chúa những ước nguyện giản dị mà chân thành. Đó có thể là những giáo dân dấn thân trong nhiều môi trường khác nhau, thông truyền niềm tin cho những người lân cận bằng chứng tá đời sống đạo, bằng những thiện chí quảng đại, sự ân cần “tốt bụng” mà không đòi đền đáp. Đó có thể là những giáo lý viên, những nhà giáo, những cán sự xã hội, hoặc nhân viên y tế, và nhất là những nam nữ tu sĩ và các vị chủ chăn đang góp phần rao giảng đức tin bằng nhiều phương cách khác nhau. Họ có thể tận dụng mọi phương tiện trong tầm tay để làm cho sứ điệp loan đi trở nên hấp dẫn, gần gũi với người nhận và cung cấp những nền tảng cần thiết cho đời sống niềm tin trong hoàn cảnh mới nhiều thách đố. Ước mong những nỗ lực tốt đẹp đó sẽ được khích lệ, củng cố và nhân bội lên nhiều hơn nữa.
Trong trường hợp truyền thông liên vị giữa người và người nêu trên, để đạt đến thành quả tốt đẹp, người truyền thông sứ điệp Tin Mừng chỉ cần chú trọng đến những yếu tố chính của truyền thông là người truyền thông (cần có niềm tin sâu sắc, thành tâm thiện chí và sẵn sàng dấn thân), sứ điệp truyền đi (nội dung tin mừng, các giá trị đạo đức …), kênh truyền thông (là những phương tiện được sử dụng, lời nói, việc làm, chứng tá cuộc sống), người nhận thông tin (cần hiểu rõ đối tượng để đáp ứng phù hợp), những cản trở (những “ồn ào” gây nhiễu làm nội dung truyền thông bị sai lạc đi) việc phản hồi (cần lắng nghe lượng giá góp ý để làm tốt hơn), ngoài ra còn có bối cảnh của người truyền và người nhận, việc mã hóa và giải mã (Franz-Josef Eilers, Communicating in community. (Logos Publications, Inc. Manila 2002) 27-29). Những yếu tố này mang nặng tính “chuyên môn” của ngành truyền thông và cần được khai triển thêm trong tương lai. Điều quan trọng hơn nữa là người làm truyền thông cần chú trọng đến việc truyền thông nội tại, đó là những hoạt động truyền thông xảy ra trong chính cá nhân, bao gồm cả cầu nguyện, suy tư, xét mình và tự đào sâu các kinh nghiệm bản thân trogn cuộc sống.
Thế nhưng hoạt động Truyền thông Công giáo không chỉ là những nỗ lực mang tính tự phát và cảm tính, mà còn cần thêm những hiểu biết về giá trị, bản chất, cách sử dụng và cả những nguy cơ của truyền thông nữa. Điều này đòi hỏi những nghiên cứu sâu xa và nghiêm túc của những người có trách nhiệm. Tài liệu cuộc họp BISCOM III tại Thái Lan năm 2001 có nêu rõ: “Trong lúc thế giới đang trở thành một ngôi làng toàn cầu (global village) và bước vào thời đại thông tin, Giáo Hội cần phải tiến theo những thay đổi của thời đại, và bước kịp theo những kỹ thuật mới trong ngành thông tin, đặc biệt trong việc thông tin với giới trẻ và cho giới trẻ. Để được như vậy, Giáo Hội cần phải gia tăng các chương trình nghiên cứu trong lãnh vực truyền thông xã hội” (Eilers, (Ed.) Communicating in Ministry and Mission, 179). Các kiến thức của toàn nhân loại ngày nay tăng tiến rất nhanh, có những người tưởng chừng mình đã được đào tạo “chính quy” trong lãnh vực này nên có quyền dừng lại an phận và tha hồ “lên lớp” hoặc “khuynh đảo” những người ít hiểu biết. Thực ra nếu không cố gắng học hỏi và cập nhật thông tin liên tục và “mài giũa” kiến thức của mình qua thực tế cuộc sống thì những hiểu biết đã có sẽ mau chóng lỗi thời và đi theo qui luật “đào thải”. Nhiều loại bằng cấp ngày nay chỉ sau vài năm đã không còn giá trị là vì thế.
ĐTC Gioan Phaolô II trong thông điệp “Sứ Vụ Đấng Cứu Độ” (Redemptoris Missio) có nói rằng nền văn hoá của truyền thông là một nền văn hóa mới đang xuất hiện, không chỉ từ những gì thực sự được trình bày, nhưng từ chính sự kiện là đang có những phương tiện mới để liên lạc, với những ngôn ngữ mới, kỹ thuật mới và một tâm lý mới. Nền văn hoá truyền thông đó tự nó là một quảng trường “Areopagus” (Hermann Schalck, The Gospel from Age to Age, (Quezon City: ICLA Publications and Franciscan Publications, 2005), 142-143), nơi đó những hoạt động truyền giáo của Giáo Hội phải hướng đến.(RM 37) Chúng ta cần quan tâm đến những phương tiện truyền thông vì con người ngày nay đang sống trong một thế giới được trang bị nhiều phương tiện liên lạc hiện đại, như vệ tinh và hệ thống truyền hình toàn cầu, máy vi tính kết nối với xa lộ thông tin Internet, điện thoại di động đa chức năng, các công cụ lưu trữ dữ liệu đa dạng (hình ảnh, âm thanh, video, các file nén…) với khả năng ngày càng lớn, có thể kết nối với những công cụ “đọc thông tin” như máy tính xách tay (laptop), hệ thống âm thanh, máy chiếu (projector)… và nhiều phương tiện kỹ thuật tân tiến khác. Bên cạnh những giá trị lớn lao giúp học hỏi, thông tin, giải trí lành mạnh, phổ biến các giá trị Tin mừng, thúc đẩy hợp tác và phát triển… nơi các công cụ đó cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ cám dỗ, gây lãng phí thời gian, gồm chứa đầy dẫy những thông tin mang tính lừa dối, bạo lực, khiêu dâm, các giá trị phản Kitô… Người tín hữu Công Giáo nên hiểu biết và có khả năng biện biệt để có thể sử dụng các phương tiện đó cách đúng mức và hữu ích.
Nhưng làm sao để có thể theo dõi thông tin nếu không có những người làm nên các chương trình tốt và phát thông tin đó đến người nhận? Tại Việt Nam có rất nhiều hạn chế về mặt này vì nhà nước quản lý chặt chẽ các phương tiện truyền thông đại chúng như truyền hình, truyền thanh, văn hóa phẩm các loại. Những sách báo Công Giáo muốn được phát hành chính thức phải qua khâu kiểm duyệt rất khó khăn của cả Giáo quyền lẫn Ban Văn Hóa và Ban Tôn Giáo nhà nước. Báo Hiệp Thông của HĐGMVN có nội dung rất tốt và chỉ ra 4 số mỗi năm, nhưng được phép phát hành chính thức với một số lượng ít cực kỳ: 2000 số, không đủ cho các vị chủ chăn trong cả nước có mỗi người một quyển. Chỉ có tuần báo Công giáo và Dân tộc được phát hành với số lượng 13.000 đến 15.000 bản cho cả nước là con số cao nhất có được! (Xem Linh Mục Nguyễn Ngọc Sơn, Báo Hiệp Thông (Bản tin của HĐGMVN) số 29-30, tháng 5 & 7 năm 2005, trang 285 – 303).
Cần phải có một cái nhìn tích cực và lạc quan hơn để thấy rằng về mặt truyền hình, mối lo của các bậc phụ huynh và chủ chăn Việt Nam rất nhẹ nhàng, vì được kiểm soát kỹ nên nội dung rất “sạch sẽ”, không có những món “đồi bại” trên truyền hình như nhiều nước khác. Mà chúng ta cũng chẳng có gì để “mặc cảm”, vì ngay cả đất nước Công Giáo như Philippines cũng chưa có được một kênh truyền hình Công Giáo nào. Hơn nữa hiện nay đã có các chương trình truyền hình cáp (cable) và cũng có thể xem các chương trình truyền hình trên khắp thế giới qua mạng nữa. Các băng hình video công giáo đã lồng tiếng Việt cũng âm thầm đi đến với mọi người dù là không có “bản quyền” chính thức. Việc thực hiện các video cá nhân rất dễ dàng, vì thế những cuộc lễ lớn của giáo xứ, giáo phận hay các cuộc Hội Nghị, Hội Thảo, diễn nguyện… đều có thể được thu hình và phổ biến. Tại Việt Nam không có đài Truyền thanh Công giáo nào, nhưng qua các chương trình Việt ngữ của đài phát thanh Vatican tại Roma và Đài Chân lý Á Châu tại Philippines, người CGVN vẫn có thể theo dõi những thông tin mới nhất của Giáo Hội với những nội dung phát thanh Công giáo thật hữu ích. Như thế kể về những phương tiện như truyền hình và truyền thanh, GHVN xem như không có chỗ đứng, nhưng cũng chẳng có thiệt thòi và lo sợ nào quá lớn.
Điều đáng quan tâm nhất hiện nay chính là những gì liên quan đến computer và internet, mạng lưới truyền thông đa phương tiện. Các khả năng hầu như vô tận của mạng điện toán toàn cầu này không ngừng gây kinh ngạc cho cả những người làm ra và tham gia vào các hoạt động của nó. Chiếc máy tính ngày nay gần như có khả năng của tất cả các loại phương tiện truyền thông khác, thêm vào đó khả năng kết nối internet với tốc độ đường truyền ngày càng được cải tiến mở ra hàng loạt tiện ích khác nhau (Xin xem thêm bài của Vũ Thanh, “Bàn về Văn Hóa Internet”, Maranatha 96 (ngày 29 tháng 7/2007)), để thấy rõ hơn những giá trị và nhiều cạm bẫy của internet. Người ta có thể vào mạng để gọi điện thoại, xem truyền hình, xem video và các loại hình ảnh, nghe radio, nghe nhạc, chơi các loại game, đọc các loại sách báo thông tin mới nhất hoặc gởi thư từ và tán gẫu với người khác… Nếu đặc trưng của truyền hình, truyền thanh và sách báo là phát ra và đi đến với vô số người nhận là những khán thính giả, độc giả mục tiêu ở một khu vực nào đó vào những thời điểm nhất định, và người nhận chỉ “thụ động” tiếp thu những gì được gởi đến, thì đặc trưng của internet hoàn toàn khác hẳn. Internet có khả năng đi đến với nhiều người thuộc nhiều khu vực khác nhau trên khắp thế giới, nhưng chỉ với tư cách cá nhân. Người nhận có quyền chủ động nhận hay không, và có thể quay trở lại xem những gì đã được đưa lên từ nhiều thời điểm khác nhau. Hơn thế nữa, người đọc có thể “tương tác” (inter-active) với nhiều chương trình mình đang theo dõi, để bình phẩm, đóng góp ý kiến và có khi còn có thể sửa đổi, sắp xếp lại theo ý mình nữa. Đặc trưng của chương trình internet không phải là phát ra mà là thu vào, vì nó chỉ đi đến với từng cá nhân riêng lẻ. Trang web nào có khả năng thu hút càng nhiều người viếng thăm là càng thành công. Đó là điều những nhà truyền giáo trên mạng phải lưu ý. Một điều tốt đep là ngày nay nhiều trang Web Công Giáo cả trong và ngoài nước đã mở rộng để đáp ứng nhu cầu “đói thông tin” của người CGVN. Các trang đó lại được nối kết với nhau để người đọc có thể tìm đọc những thông tin thích hợp cho nhu cầu của mình. Các blog cá nhân, podcast và nhiều chương trình học hỏi trên mạng rất hữu ích cho đời sống Kitô hữu, nhất là những ai giỏi ngoại ngữ.
Ngày nay những nguồn mở (Open Sources) đang giúp hạ thấp dần giá thành của hệ thống truyền thông đa phương tiện multi-media này. Xin tham khảo thêm trang web của cha Stephen, MSC: http://www.stephencuyos.com/ để hiểu rõ hơn về blog, podcast và Open Sources. Tại Việt Nam ngay cả vùng quê cũng đã có thấp thoáng những quán internet-cafe. Trình độ dân trí khá hơn, người ta không còn nhắc đến xóa mù học vấn nữa mà chỉ nói đến xóa mù… vi tính và ngoại ngữ. Trước bối cảnh đó GHVN không thể vắng bóng trên mạng, mà càng phải hiện diện nơi đó để gặp gỡ người trẻ. Internet là một diễn đàn mới để công bố Tin Mừng (Chủ đề ngày Truyền thông thế giới năm 2002). Qua mạng internet Giáo Hội có thể chuyển tải những thông tin hữu ích, những suy tư về niềm tin, những kinh nghiệm thiêng liêng, và nhất là lời đáp trả cho những vấn nạn trong thế giới hôm nay. Những nhà truyền giáo trên mạng phải là người trưởng thành trong cách sống, có lòng say mê nhiệt thành, có đức tin sâu sắc và kinh nghiệm cá nhân với Đức Kitô để có thể chia sẻ cho người khác. Họ cần có chuyên môn về kỹ thuật tin học nhưng chính họ cần hiểu rõ hơn ai hết là cuối cùng thì niềm tin phải được thể hiện trong cuộc sống thực tế chứ không phải trên mạng. Họ cần phải mở rộng cánh cửa của “thực tế ảo” để đón tiếp mọi người, giúp họ tránh được những cạm bẫy và chỉ cho họ con đường đi đến một cuộc sống thực sự, có khả năng chạm đến mọi kinh nghiệm nhân loại. Điều quan trọng chẳng phải là không gian ảo trên mạng mà là cuộc sống của cộng đoàn niềm tin, nơi người với người gặp gỡ chia sẻ để giúp nhau dấn thân trọn vẹn hơn cho Đức Kitô (Eilers, Communicating in Ministry and Mission, 231-233).
Để kết
Truyền thông là một lãnh vực rộng lớn và nhiều phức tạp, nhưng đó lại là một lợi thế hơn là một mối đe dọa. “Giáo Hội cần khám phá những cách thế để tận dụng mọi phương tiện truyền thông đại chúng vào kế hoạch mục vụ và hoạt động mục vụ, nhờ biết sử dụng cách hữu hiệu mà sức mạnh của Tin Mừng có thể đến và tiếp xúc một cách rộng rãi với từng cá nhân cũng như với tất cả các dân tộc” (Tông Huấn Giáo Hội tại Châu Á, số 48). Tuy nhiên có rất nhiều thách đố khiến nhiều người nghi ngại và né tránh, cũng có kẻ lại lạm dụng các phương tiện truyền thông để gây chia rẽ bất hòa và hoang mang xáo trộn trong cộng đoàn. Điều đó chính là một lời mời gọi khẩn thiết hơn cho sự cộng tác dấn thân, liên đới, tôn trọng và chấp nhận lẫn nhau. Có thể nói rằng lãnh vực truyền thông Công giáo không có loại trừ. Những người làm công tác Truyền thông Công giáo cần tôn trọng và bảo vệ sự thật, nhưng hơn nữa cần khéo léo xây dựng công bình bác ái và sự hiệp thông.
Một nét nổi bật của GHVN là rất trẻ trung sống động. Giới trẻ là tương lai của Giáo Hội và quê hương, nhưng đồng thời cũng là mục tiêu mà các phương tiện truyền thông nhắm đến để khai thác. Trong Sứ điệp cho ngày Truyền thông Thế giới lần thứ 41, cử hành vào 31 tháng 5 năm 2007, Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI đã chọn chủ đề: “Trẻ Em và Truyền Thông, một thách đố cho vấn đề giáo dục.” Ngài mời gọi toàn Giáo Hội nhìn vào thực tại thế giới hôm nay, nơi mà trẻ em đang bị các phương tiện truyền thông khuôn đúc, giáo dục. Như thế việc giúp người trẻ có khả năng đáp ứng cách phù hợp đối với các thông điệp truyền thông là điều cần đặt ra. Gia đình cần quan tâm hỗ trợ nhà trường và giáo xứ trong việc giáo dục con em, các nhà làm công tác truyền thông cũng cần được khích lệ để giữ gìn công ích, nêu cao chân lý và bảo vệ nhân phẩm con người (ĐGH Bênêđictô XVI “Children and the Media: A Challenge for Education” May 20, 2007, http://www.vatican.va/holy_father/benedict_xvi/ messages/communications/documents /hf_ben-xvi_mes_ 20070124_41st-world-communications-day_en.html, truy cập 25/07/2007).
Mong ước rằng các vị có thẩm quyền và trách nhiệm trong GHVN có những quan tâm cụ thể hơn cho lãnh vực truyền thông của toàn Giáo Hội cũng như của địa phương mình. Các vị chủ chăn cần đào sâu nghiên cứu, mạnh dạn khích lệ và dám đầu tư cho hoạt động truyền thông, đặc biệt là truyền thông qua mạng internet, và nốt kết với nhiều nguồn hỗ trợ sẵn có để tận dụng tối đa khả năng của các phương tiện truyền thông trong việc loan báo Tin Mừng. Liên Hội Đồng Giám Mục Á Châu đã quan tâm đầu tư rất nhiều cho lãnh vực truyền thông, nhất là Văn Phòng Đặc trách Truyền thông cho Á Châu đặt tại Manila, là nơi trước tiên mà Giáo Hội các nước Á Châu có thể liên hệ để có các tài liệu cần thiết cho mình. NL