Hai Thư chung của Giám mục Tây Ðàng Ngoài
Ðó là hai Thư chung của Ðức Giám mục Puginier ở Việt Nam từ năm 1858, mất ngày 25 tháng 4 năm 1892 (29 tháng ba AL), người Công giáo Việt Nam xưa quen gọi với các danh xưng là Ðức cha Phước / Bảo Lộc / Bảo Lộc Phan chi cô Phước. Theo “Sách thuật lại các Thư chung Ðịa phận Tây Ðàng Ngoài” (từ đây viết tắt là TCÐPTÐN) in tại Kẻ Sở năm 1908 thì năm 1870, Ðức cha lập tháng Ðức Bà; Cách hai năm lập tháng Ông thánh Giuse (Juse); năm sau lại lập họ lái (trái) tim Ðức Chúa Giêsu (tr 9).
* Thư chung thứ nhất được Sách TCÐPTÐN chọn và đặt tựa đề Về Tháng Ông Thánh Juse. Mặc dù cuối thư không ghi thời điểm ban hành, nhưng có thể biết đó là năm 1872. Trước khi ban hành Thư chung 1872, lập tháng Ông Thánh Juse cho cả địa phận, Ðức Giám mục Puginier đã ban hành Thư chung cho các giáo sĩ về việc kính Ông Thánh Juse. Mở đầu Thư chung thứ nhất viết :
Giám mục Bảo Lộc Phan chi cô Phước…
Vậy là đã hai năm nay thày làm Thư chung cho các nhà thày làm việc kính Ông Thánh Juse cho đủ một tháng; đến sau nghe rằng bổn đạo cũng có kẻ sốt sắng đều thông công vuối (với) người nhà, vả lại Ðức Thánh Phapha (Ðức Giáo Hoàng) đã ban Inđu cho kẻ việc làm ấy, thì năm nay thày có ý lập tháng Kính Ông Juse trong cả địa phận như đã lập Tháng Ðức Bà (tr 92).
Tiếp theo, Thư chung kể về thánh tích Ông Thánh Juse, về lòng sùng kính Ông Thánh Juse của người Công giáo và Ðức Giáo Hoàng (Thư chung gọi là Ðức Thánh Phapha) Pio thứ IX “Thấy lòng con chiên sốt sắng kính Ông Thánh ấy, thì lấy làm ưng; Người lại ao ước làm cho sáng danh Ông Thánh ấy hơn nữa, và cho bổn đạo được thêm lòng trông cậy cùng được nhiều ơn ích, thì năm 1865, ngày 17 tháng 4, Người đã ban những Indu cho kẻ làm việc lành kính tháng Ông Thánh Juse cũng như ban cho kẻ kính Thánh Ðức Bà vậy; Ấy là gốc tích Tháng Ông Thánh Juse thì kể tắt làm vậy” (tr 93).
Phần cuối Thư chung viết :
Nay ta chỉ những việc lành phải kính Ông Thánh Juse, và những Indu Ðức Thánh Phapha ban.
Thứ nhất, Tháng Ông Thánh Juse được đủ 31 ngày mà năm nào trong lịch sẽ chỉ đầu và cuối những ngày nào.
Thứ hai, Tháng ấy thì hằng ngày trong các nhà thờ các xứ phải đọc bẩy kinh Thiên Chúa, bẩy kinh Ave, và kinh Ông Thánh Juse cho được kính Ông Thánh ấy.
Thứ ba, Ai trở việc gì không đến nhà thờ đọc kinh ấy chung vuối anh em được, thì đọc riêng ở nhà cũng được, mà những kẻ chưa thuộc kinh Ông Thánh Juse thì nên học.
Thứ bốn, Những nơi có tượng, hay là ảnh Ông Thánh Juse, khi làm việc kính Ông Thánh ấy, thì phải để trong nhà thờ và đốt ít là hai cây nến hai bên bàn thờ; đang khi làm việc ấy cũng nên trải một gian màn và dọn hoa thơm tho cho được tỏ lòng kính…
Thứ năm, Bổn đạo nên dâng của cho được dọn dẹp bàn thờ và sắm nến; kẻ khó khăn dâng ít của, song le thật lòng kính, thì cũng được.
Thứ sáu, Những kẻ làm việc kính Ông Thánh Juse trong Tháng Người, chẳng kỳ chung, chẳng kỳ riêng, thì mỗi một ngày được ăn mày Indu ba trăm ngày, và trong tháng ấy lại được ăn mày một Indu đầy; Song lo cho được ăn mày Indu đầy ấy, thì phải xưng tội chịu lễ một ngày mặc ý mình chọn, và phải cầu nguyện như ý Ðức Thánh Phapha đã chỉ.
Thứ bảy, Ai muốn làm việc lành khác, hoặc thí của cho kẻ khó, hoặc xem lễ v.v… cho được kính Ông Thánh Juse thì cảng tốt.
Thứ tám, Sáng ngày đầu tháng Ông Thánh Juse thì phải đọc thư này cho bổn đạo nghe. Hoặc cụ chính và cụ phó ở hai nơi, thì đọc cả hai nơi và cũng phải cho người nhà đến đọc trong các phiên xa trị sở.
+ Bảo Lộc Phan chi cô Phước Vít vồ (tr 97, 98).
* Thư chung thứ hai : Nếu như ở Thư chung thứ nhất Sách TCÐPTÐN khi tuyển chọn không ghi thời điểm ban hành thì Thư chung thứ hai cho biết, Thư được làm ở Kẻ Sở, ngày 15 tháng Februariô, 1886. Thư có đoạn :
“Năm xưa vừa được mười bốn năm nay, Thày đã lập Tháng Ông Thánh Juse trong địa phận ta mà đã có Thư chung kể ra gốc tích cùng các việc phải làm; nay lại in thư ấy gởi cho các Thày cả đọc cùng cắt nghĩa trong nhà thờ trị sở và từng cho họ bổn đạo được hiểu tỏ tường. Vậy từ nay về sau phải liệu cho các việc về Tháng Ông Thánh Juse cho trọng thể và giục con chiên siêng năng đến ăn mày thông công cho được nhờ quyền thế Người cầu bầu gìn giữ cả địa phận khỏi sự dữ và được mọi sự lành. Thày tin chắc rằng : Bấy lâu ta được ăn mày nhiều ơn bởi Ông Thánh Juse mà ra, thì trông vững vàng lại sẽ được nhiều công nghiệp Người trong những lúc đang còn dở dang phải qua cho đến khi được thái bình; Vì vậy Thày làm Thư này khuyên các đấng, các bậc cùng các bổn đạo hợp một ý mà thêm lòng sốt sắng, kính mến Ông Thánh Juse và cầu xin Người phù hộ cho mọi người địa phận ta phần hồn, phần xác” (tr 99 – 100).
Lòng sùng kính Thánh Giuse của người Công giáo Việt Nam xưa
Ðón nhận Tin Mừng, gia nhập Công giáo, người Công giáo Việt Nam ngay từ buổi đầu đã thể hiện lòng sùng kính Thánh nữ Maria cùng với sùng kính Ông Thánh Giuse. Lòng sùng kính Ông Thánh Giuse của người Công giáo Việt Nam được thể hiện dưới nhiều chiều kích như sáng tác Vãn Ông Thánh Giuse kể về hạnh tích cũng như quyền năng của Thánh Cả. Ðã có rất nhiều kinh cầu Ông Thánh Giuse được các đấng bậc phổ cập trong cộng đồng Dân Chúa. Có thể kể một số kinh như kinh Ông Thánh Giuse bầu cử; kinh Ông Thánh Giuse bảo trợ những vụ khó khăn; kinh cầu Thánh Giuse; kinh Ông Thánh Giuse Quan Thày; kinh kính mừng Giuse. Nhiều nhà thờ Công giáo Việt Nam chọn ông Thánh Giuse làm Thánh Quan Thầy. Tài liệu thống kê 86 nhà thờ thuộc Tổng giáo phận Hà Nội của chúng tôi cho thấy có 22 nhà thờ chọn Thánh Giuse làm Thánh Quan Thầy, chỉ đứng thứ hai sau việc chọn Ðức Mẹ Maria làm Bổn Mạng (30 nhà thờ). Trong nhà thờ, nơi gian Cung thánh đối diện với Tòa Ðức Mẹ là Tòa Ông Thánh Giuse. Hình tượng Ông Thánh Giuse bế hoặc “kiệu” Chúa Giêsu Hài Ðồng trên vai, tay cầm bông hoa Huệ Tây trở nên quen thuộc với người Công giáo Việt Nam.
Giáo phận Xuân Lộc khai mạc Năm Kính Thánh Giuse (26-12-2020) |
Vào dịp kỷ niệm Ông Thánh Giuse (19-3 hoặc 1-5 hằng năm), nhất là những xứ đạo chọn Thánh Giuse làm Thánh Quan Thầy, có nhiều hình thức tôn kính. Trước năm 1945, một số xứ đạo ở các giáo phận Bùi Chu, giáo phận Thái Bình có hình thức Tiến hoa. Nghi lễ diễn ra trong nhà thờ, đội nghi lễ gồm 12 đàn ông tuổi trung niên, đi hàng đôi, mỗi người ôm một bó hoa Huệ, đi từ cuối nhà thờ theo tiếng trống, có khi là kèn hoặc nhạc bát âm, tiến lên phía Cung thánh, lần lượt đặt hoa trên chiếc bàn nhỏ dưới Tòa Ông Thánh Cả. Ngày này còn có cuộc đi kiệu. Trên kiệu vàng là tượng Thánh Giuse. Ði trước kiệu là Thánh Giá nến cao; tiếp theo là 12 đàn ông tuổi trung niên khăn đóng, áo dài lam; Hội đoàn Thánh Giuse với cờ hội thêu hình Thánh bán thân, bế Chúa Giêsu, tay cầm nhành hoa Huệ, tiếp theo là các hội đoàn khác; đi sau kiệu là cha sở và cộng đoàn.
Cuộc đi kiệu bắt đầu từ trong nhà thờ hành tiến theo đường kiệu. Lễ kính Ông Thánh Giuse không phải là ngày lễ trọng nhưng với người Công giáo Việt Nam thì thực sự là ngày hội lớn của làng quê, xứ đạo.
PGS.TS. Nguyễn Hồng Dương – Viện Nghiên cứu Tôn giáo