Các kế hoạch hạn chế ô nhiễm cùng những khoảng không gian xanh, đã giúp nhiều thủ đô trên thế giới có được bầu không khí trong lành và là địa điểm du lịch hay sinh sống lý tưởng.
Stockholm, Thụy Điển: Stockholm là thành phố đầu tiên được công nhận là Thủ đô xanh châu Âu vào năm 2010 và được biết đến với văn hóa đi xe đạp. Kể từ khi nhận được giải thưởng, thủ đô của Thụy Điển tiếp tục thực hiện các dự án, sáng kiến xanh và đã giảm 25% lượng khí thải carbon từ những năm 90. Bên cạnh đó, Stockholm còn có kế hoạch cải thiện giao thông công cộng, giảm chất thải và tăng đa dạng sinh học.
Wellington, New Zealand: New Zealand nổi tiếng với phong cảnh ấn tượng, lối sống ngoài trời và không khí trong lành. Ở thủ đô Wellington, các nhà chức trách đã bắt tay vào thực hiện các chương trình tiết kiệm năng lượng cùng các dự án quản lý chất thải với mong muốn giảm thiểu lượng khí thải CO2, giúp nơi đây duy trì bầu không khí sạch, không ô nhiễm.
Canberra, Australia: Vào cuối thế kỷ 19, việc tranh cãi trong lựa chọn thủ đô của Australia từ 2 thành phố lớn là Sydney và Melbourne, đã dẫn đến quyết định xây dựng một thủ đô hoàn toàn mới mang tên Canberra. Thành phố được xây dựng bắt đầu từ năm 1913, dựa trên thiết kế của 2 kiến trúc sư người Mỹ với phong cách chịu ảnh hưởng từ phong trào thành phố vườn. Việc kết hợp các khu thực vật tự nhiên vào kiến trúc thành phố khiến Canberra còn có tên gọi khác là “thủ đô bụi rậm” với không gian xanh và bầu không khí trong lành.
Ottawa, Canada: Một trong những nỗ lực lớn nhất giúp Ottawa có được bầu không khí trong lành đến từ một kiến trúc sư người Pháp. Năm 1950, ông đã tạo ra một vành đai xanh rộng hơn 300 km2 trong thành phố, giúp ngăn chặn sự mở rộng đô thị, đồng thời tạo thêm không gian tự nhiên cho thành phố. Ngoài ra, thành phố còn đưa ra kế hoạch chia sẻ xe đạp, và số người đăng ký tham gia đã lên đến con số 900.000. Tất cả mọi kế hoạch và nỗ lực của người dân hay chính quyền nơi đây đều nhằm mục tiêu đưa Ottawa trở thành thủ đô sạch nhất thế giới.
Edinburgh, Scotland: Edinburgh từng được gọi là Auld Reekie, một biệt danh dành cho thủ đô Scotland do mùi hôi thối của nước thải và khói độc. Tuy nhiên, đó chỉ là Edinburgh của quá khứ, còn hiện tại, nơi đây có không khí sạch hơn nhiều thành phố thủ đô khác ở châu Âu.
Montevideo, Uruguay: Montevideo là một trong những thủ đô thoải mái nhất của Nam Mỹ với bầu không khí ít ô nhiễm, các bãi biển đầy cát, kiến trúc thuộc địa và những vườn nho. Nằm ngay cạnh Buenos Aires nhộn nhịp, thủ đô Montevideo với hơn 1 triệu cư dân này là một lựa chọn sạch hơn, xanh hơn và thoải mái hơn so với Argentina.
Tallinn, Estonia: Thành phố thời Trung cổ Tallinn với những bức tường thành hùng vĩ và những con đường rải sỏi không dành cho những chiếc xe có động cơ. Muốn đi lại trong khu vực phố cổ trung tâm, mọi người đều phải gửi xe ở bên ngoài. Thêm vào đó, không gian xanh cùng khung cảnh ven biển mát mẻ của thành phố cũng là một phần giúp nơi đây trở thành một trong những thành phố ít ô nhiễm nhất trên thế giới.
Helsinki, Phần Lan: Bằng nhiều cách khác nhau, thủ đô Phần Lan đã bắt tay vào một dự án đầy tham vọng với mong muốn hạn chế việc sở hữu các phương tiện giao thông cá nhân vào năm 2025. Khai thác sức mạnh của các công nghệ mới, các nhà chức trách nơi đây muốn tạo ra một hệ thống giao thông công cộng hiện đại để không ai còn cần tới ôtô. Helsinki từ lâu đã khuyến khích người dân sử dụng xe đạp để đi lại, thành phố này hiện có khoảng 3900 km đường xe đạp và điều này được người dân nhiệt tình ủng hộ.
Monaco, Monaco: Monaco, thành phố nổi tiếng với cuộc đua F1 hàng năm, là một trong những thủ đô sạch nhất ở châu Âu. Theo WHO, thành phố đầy nắng này có nồng độ bụi PM 2,5 thấp, cùng dân số ít và không có nhiều hoạt động của các ngành công nghiệp. Ảnh: Shutterstock.
Madrid, Tây Ban Nha: Các công dân của Madrid, đặc biệt là những người sống ở quận Malasana sôi động, thường lựa chọn đường phố làm nơi vui chơi chứ không phải lái xe. Trong khi đường phố ở những đô thị khác tràn ngập các phương tiện giao thông thì ở Madrid, các quán bar và nhà hàng thường tràn xuống đường phố. Những con đường dành riêng cho người đi bộ, phương tiện giao thông công cộng có giá cả phải chăng, cùng vị trí trên đỉnh một cao nguyên khiến cho Madrid trở thành một trong những thủ đô bị ô nhiễm ít nhất trái đất.