Phụng vụ, mà đỉnh cao là Thánh lễ, là hành vi của cộng đoàn những người nhờ Đức Tin Thiên Chúa ban cho mà có thể nhận biết, cảm tạ, ca ngợi và thờ phượng Thiên Chúa. Tuy nhiên, từ thời Trung cổ, giáo dân hầu như đã bị loại ra khỏi việc tham dự sống động vào Thánh lễ, trong khi đó, giáo sĩ lại thâu tóm hầu hết các lời nguyện và bài hát của cộng đoàn trong Thánh lễ. Kể từ thời Công đồng Trento, để ngăn chận nguy cơ phủ nhận chức linh mục thừa tác, Hội Thánh đã nêu bật tầm quan trọng của chức vụ này, nhưng việc làm đó đã vô tình tạo thêm khoảng cách giữa giáo sĩ và giáo dân, cũng như làm trầm trọng thêm tính thụ động của giáo dân trong việc tham dự Thánh lễ.
Thế nhưng, Hiến chế Phụng vụ thánh của Công đồng Vatican II ra đời vào năm 1963 đã mở đường cho cuộc canh tân Phụng vụ của Hội Thánh. Cuộc canh tân Phụng vụ này đã phục hồi chiều kích cộng đoàn của các thành phần Dân Chúa trong Thánh lễ (x. PV 27), cũng như đã đề ra nhiều phương thế hữu hiệu giúp các giáo dân tham dự Thánh lễ cách ý thức, trọn vẹn và sống động hơn (x. PV 14).
2. TÍNH CỘNG ĐOÀN TRONG CỬ HÀNH THÁNH LỄ
Có thể nói rằng, tự bản chất, Phụng vụ luôn đòi hỏi phải mang tính cộng đoàn. Cộng đoàn này không chỉ dành riêng cho một hạng người thánh thiện nào, nhưng bao gồm mọi hạng người. Hiến chế Phụng vụ thánh của Công đồng Vatican II dạy rằng mỗi khi cử hành các nghi lễ, đặc biệt trong việc cử hành Thánh lễ, nên quý chuộng việc cử hành cộng đồng hơn việc cử hành đơn độc và riêng rẽ (x. PV 27). Thực thế, chính trong khi cử hành Thánh lễ mang tính cộng đoàn, các tín hữu tạ ơn Thiên Chúa và dâng lên Ngài lễ phẩm tinh tuyền, không những nhờ tay vị tư tế, nhưng còn cùng với ngài, cũng như để học cho biết dâng chính mình nữa (x.QC 95).
Theo sự hướng dẫn của Hội Thánh, kể từ sau Công đồng Vatican II, tính cộng đoàn trong Thánh lễ đã được thể hiện bằng nhiều phương cách phong phú. Trước hết, Công đồng cho phép đưa ngôn ngữ địa phương vào trong cử hành Thánh lễ (x. PV 36). Việc làm này đã mở đường để giáo dân có thể tham gia vào những lời tung hô, những câu đối đáp, những bài thánh ca trong Thánh lễ. Thứ đến, việc Công đồng yêu cầu các linh mục năng giảng Kinh Thánh (x. PV 52) đã khiến cho Lời Chúa trở thành yếu tố liên kết cộng đoàn các tín hữu với nhau trong cùng một Đức Tin. Thêm vào đó, việc Công đồng tái lập Lời nguyện tín hữu sau bài giảng các ngày lễ Chúa Nhật và lễ buộc (x. PV 53) cũng đã góp phần thăng tiến tinh thần liên đới của các tín hữu với toàn thể Hội Thánh và thế giới. Một điểm rất quan trọng nữa là việc Công đồng khuyến khích giáo dân rước lễ cũng như cho phép hiệp lễ dưới hai hình thức trong một vài trường hợp nhất định (x. PV 55). Việc làm này đã làm hiển lộ sự hiệp thông sâu xa giữa các thành phần Dân Chúa khi cùng lãnh nhận Mình Máu Thánh Chúa trong một Thánh lễ.
Như vậy, bằng những điều chỉnh thích đáng, Công đồng Vatican II đã làm cho tính cộng đoàn trong cử hành Thánh lễ được phục hồi và trở nên ngày một thăng tiến. Nhưng không dừng lại ở đó, Công đồng còn khuyến nghị các chủ chăn phải chú trọng và kiên tâm theo đuổi việc huấn luyện Phụng vụ cho các tín hữu (x. PV 19) để tạo điều kiện giúp họ có thể tham dự Thánh lễ ngày một tích cực hơn.
3. MỘT VÀI PHƯƠNG THẾ KHẢ DĨ GIÚP CÁC TÍN HỮU THAM DỰ THÁNH LỄ CÁCH Ý THỨC, TRỌN VẸN VÀ SỐNG ĐỘNG HƠN
Thực thế, một trong những ưu tư của Công đồng là làm sao để các chủ chăn không những chỉ chú tâm cử hành Phụng vụ thành sự và hợp pháp mà thôi, nhưng còn lo sao cho các tín hữu có thể tham dự Thánh lễ một cách ý thức, trọn vẹn và sống động, vì do chính bản tính, Thánh lễ đòi hỏi cách thức tham dự như thế (x. PV 11 và 14).
3.1. Tham dự Thánh lễ cách ý thức
Quả vậy, Hội Thánh hằng bận tâm lo lắng để các giáo dân đừng tham dự vào mầu nhiệm đức tin trong Thánh lễ như những du khách bàng quang, câm lặng, nhưng nhờ hiểu thấu đáo mầu nhiệm đó, họ tham dự các kinh nguyện và nghi lễ thánh cách ý thức hơn (x. PV 48). Do đó, Hội Thánh muốn việc chuẩn bị các bản văn bài đọc, lời nguyện và bài ca trong Thánh lễ phải thích ứng thoả đáng với nhu cầu cũng như não trạng của những giáo dân hiện diện (x. QC 352)
3.2. Tham dự Thánh lễ cách trọn vẹn
Về phía người giáo dân, Hội Thánh khuyên nhủ họ phải tham dự đầy đủ và trọn vẹn, cả hai phần Thánh lễ gồm phụng vụ Lời Chúa và Thánh Thể, nhất là trong ngày Chúa nhật và các ngày lễ buộc. Bởi lẽ hai phần trên được liên kết chặt chẽ với nhau đến nỗi làm thành một hành vi thờ phượng duy nhất (x. PV 56). Để giúp người giáo dân tham dự thánh lễ cách trọn vẹn hơn, các vị hữu trách được yêu cầu tìm cách xếp đặt cho người tín hữu có được vị trí thích hợp trong thánh đường, để họ có thể dự phần xứng đáng vào những nghi thức thánh. Ngoài ra, cũng phải liệu làm sao cho giáo dân không những nhìn thấy vị chủ tế hay các người đọc sách, mà nhờ những phương tiện kỹ thuật hiện đại, còn nghe rõ được các bài đọc, lời nguyện… (x. QC 311).
3.1. Tham dự Thánh lễ cách sống động
Bên cạnh việc mong muốn người giáo dân tham dự Phụng vụ cách ý thức và trọn vẹn, Hội Thánh còn muốn khuyến khích sự chủ động của họ trong cử hành Thánh lễ như việc tích cực đối đáp trong các nghi thức và kinh nguyện (x. QC 35 và 36). Đặc biệt, ca hát là một trong những cách thế hàng đầu giúp người giáo dân tham gia cách sống động vào Phụng vụ, thế nên, các chủ chăn cũng được mời gọi năng khích lệ giáo dân tham gia vào những lời tung hô, những bài thánh vịnh, tiền xướng và thánh ca (x. TN 27).
Như vậy, việc người tín hữu tham gia Thánh lễ một cách ý thức, trọn vẹn và sống động không chỉ khiến họ không còn cảm thấy nhàm chán hay buồn tẻ trong mỗi giờ lễ cũng như không còn cảm thấy cô đơn hay lạc lõng giữa cộng đoàn, mà lại còn có thể dẫn đưa tâm hồn họ hướng về Thiên Chúa và tạo nên sự biến đổi trong chính con người họ. Và một khi nội tâm người tín hữu đã được biến đổi cách thâm sâu, thì đời sống đạo đức và hoạt động tông đồ của họ mới có thể trở nên một niềm vui đích thực.
4. KẾT LUẬN
Quả thực, việc phục hồi và thăng tiến tính cộng đoàn trong cử hành Phụng vụ Thánh lễ kể từ sau Công đồng Vatican II đã giúp tái khẳng định bản tính Công giáo của Hội Thánh, đồng thời cũng giúp các tín hữu chủ động hiệp thông chính mình vào Nhiệm Thể Chúa Kitô. Qua từng ngày, việc Hội Thánh hằng mời gọi các tín hữu tham dự vào Phụng vụ Thánh lễ cách ý thức, trọn vẹn và sống động hơn đã góp phần thúc đẩy các thành phần Dân Chúa không ngừng vươn tới mức sung mãn của Chúa Kitô (x. PV 2).
Chính nhờ mang trong mình những tâm tình của Chúa Kitô đó (x. Pl 2, 5), mà trong mọi nơi mọi lúc, người Kitô hữu luôn biết đón nhận tha nhân trong niềm cảm thông tha thứ thực sự, để xứng đáng cùng với những người anh chị em chung một Đức Tin ấy chia sẻ Một Lương Thực Thần Linh. Và trong niềm hy vọng về Ơn Cứu Độ mai hậu, họ tin tưởng rằng vào ngày tận thế sẽ được Thiên Chúa cho vào dự bàn tiệc nơi Thiên Quốc cùng với tất cả những người anh chị em mà mình đã từng cùng nhau hiệp thông tham dự Thánh lễ khi còn ở trần thế này.
Lạc Vũ Thái Bình
Huế, 2-2023
Các chữ viết tắt trong bài viết:
– Hiến chế Phụng vụ thánh của Công đồng Vatican II: PV