Đâu mới là giá trị nền tảng?
Nhớ có lần dạy học trò, tôi đã đặt cho các em câu hỏi “Trong ba giá trị Chân – Thiện – Mĩ, theo các em, giá trị nào là nền tảng, quyết định 2 giá trị còn lại?”. Câu trả lời của hầu hết học sinh chắc chúng ta đều đoán ngay được, vì câu trả lời ấy cũng là của đa số mọi người: Cái Thiện.
Lại nhớ câu nói nổi tiếng của Sorcate “Hiểu biết là đức hạnh”. “Yêu mến sự hiểu biết” là nguyên nghĩa và cũng là cội nguồn của triết học. Tại sao? Cái tham vọng muốn hiểu biết đến bản thể của vũ trụ và yếu tính của sự sống là động lực và trở thành căn để của triết học để nó dành lấy vinh dự là Khoa học của mọi khoa học.
Cũng chính người hộ lý tri thức của thành Aten đã phát biểu: “Không ai cố ý làm điều sai trái”. Con người gây nên tội ác, tôi tin, là do thiếu hiểu biết. Nếu biết chắc chắn trong chiếc túi kia là con rắn độc thì không ai cho tay vào đó cả. Họ làm như thế vì chẳng qua họ nghĩ, “có thể trong đó không phải là rắn độc”. Mọi tội ác đang cuồn cuộn vần vũ trong xã hội này đều có nguyên nhân từ sự ngu dốt.
Cái Chân phải là giá trị đầu tiên để giải quyết những vấn đề sau cùng của đất nước, xã hội, và con người.
Con đường tri thức là lối đi có tính cứu rỗi cho thực trạng bi thống của xã hội Việt Nam hiện thời.
Sự ngu dốt là nguyên nhân của tất cả tấn bi kịch mà chúng ta đang phải chứng kiến và nếm trải. Và chừng nào, chúng ta chưa tuyên ngôn như một xác quyết rằng “chi bằng học” mà cụ Phan đã gióng lên hồi đầu thế kỉ trước, để quyết tâm theo đuổi như một đại nghiệp có tính cứu cánh cho dân tộc thì chừng ấy, dân tộc này còn phải sống trong lầm than và man rợ.
Cách nay hơn 2500 năm, cũng ở phương Đông này, một bậc đại trí là Thích Ca Mâu Ni đã nói “Duy tuệ thị nghiệp” – lấy trí tuệ làm sự nghiệp. Ông đã lý giải cội nguồn của khổ đau nơi kiếp người có nguồn gốc từ sự ngu si. Ngu si sinh ra tham ái, ngu si sinh ra sân hận; ngu si nên tạo nghiệp. Đau khổ và những dập nát của đời sống là bởi con người đang theo đuổi những thứ sai lầm. Chữ “Phật” có nghĩa là giác ngộ. Giác ngộ là gì? Là thấy được chân lý. Để giải quyết những vấn đề của nhân sinh, duy chỉ có trí tuệ, tức sự hiểu biết, là duy nhất có thẩm quyền.
Tôi không tin rằng, một người thiếu hiểu biết có thể sống thiện lành; và tôi cũng không tin rằng một người thiếu hiểu biết có thể sống đẹp. Và tất nhiên, người thiếu hiểu biết không thể kiến lập được một đời sống hạnh phúc. Muốn phục hưng và kiến tạo một xã hội văn minh thì tri thức phải được coi là thánh điển, và giảng đường phải thật sự trở thành thánh đường của khoa học. Phải chấn hưng nền học vấn của dân tộc. Không làm được điều này thì mọi sự cố gắng ở bất cứ đâu đều trở nên ngớ ngẩn. Học giả Cao Xuân Hạo đã từng nhận định: “Coi khinh học vấn chính là dấu hiệu chắc chắn nhất của sự suy vong của dân tộc”.
Cái khâu quan trọng nhất này cũng chính là điểm yếu nhất của xã hội VN đương thời. Sự rẻ rúng đối với tri thức và trí thức; sự tùy tiện và cẩu thả trong khoa học; thậm chí là làm tiền trên khoa học; việc chạy theo danh hiệu và thành tích; tính hiếu danh hơn hiếu học… và muôn vàn tệ lậu khác nữa trong khoa học và giáo dục đang dự báo một ngày mai lụi tàn không thể cưỡng lại. Nhan nhản những “công trình” được xuất bản từ sự xào đi nấu lại, đọc tên một cuốn sách chỉ muốn ngay lập tức ghì nó vào lòng nhưng lật ra thì ôi thôi… một người có tư duy phản biện sẽ có thể bẻ gãy bất cứ luận điểm nào trong những cuốn sách loại ấy, vì nó không được xây lên bằng mồ hôi của lao động khoa học mà thường là những phát minh sáng chói của “một phút lóe sáng của thiên tài” (chữ dùng của Cao Xuân Hạo). Tình trạng này có lẽ đáng xấu hổ nhất trong khoa học xã hội. Ăn theo nói leo dần trở thành đặc sản của các ngành nhân văn.
Tôi đã chứng kiến nhiều cuộc “cãi vả” về văn học trên đủ các diễn đàn, chín người mười ý, ai cũng có lý cả, và không ai chịu ai. Và tất nhiên, sau cuộc đấu khẩu ấy, mỗi người đều tự thấy vinh quang thuộc về mình, một cái tôi vĩ cuồng lại được nuôi lớn thêm, đẫy đà như Tú Bà. Nhưng cũng kì lạ thay, không thấy họ dẫn ra một cơ sở lý thuyết, không trích nguồn từ các công trình nền tảng nào cả, cũng không thấy họ cung cấp một con số hay những khảo cứu để làm nguyên liệu đầu vào cho lý lẽ của mình. Chỉ thấy những cuộc cãi vả bất tận theo kiểu “mênh mông là bát ngát”, “bát ngát là mênh mông”.
Sự tùy tiện trong khoa học đã đưa tới những kết quả kinh hoàng. Một ví dụ, như đề thi học sinh giỏi quốc gia môn văn năm 2019, với những cái sai ngớ ngẩn lồ lộ trên mặt chữ nhưng hoặc không ai buồn quan tâm nữa hoặc không ai phát hiện ra. Cả người ra đề và người chấm thi vẫn hăng máu thuyết giáo như một thành tựu vĩ đại mà họ là người đại diện cho lương tâm thời đại. Khi có người lên tiếng chỉ ra những cái sai chết người ấy trong một kì thi được coi là thước đo của đỉnh cao chất lượng giáo dục quốc gia thì sự thể mới đáng sợ hơn nữa: tác giả đề thi chọn cách im lặng để quyết theo đuổi câu châm ngôn “im lặng là vàng”, dù cho có người nổi tiếng trong giới đã tự nhận lấy nhiệm vụ “chuyển ý kiến này tới những người có trách nhiệm”. Từ sự cẩu thả trong khoa học đã dẫn tới sự sa sút về nhân cách khoa học.
Trong nhà trường của các nước phát triển, tội lớn nhất là đạo văn. Vì sao thế? Vì họ trọng tri thức. Tri thức là thiêng liêng. Cũng bởi vì thế mà nền khoa học của họ phát triển đủ để làm phồn vinh cho đất nước. Còn chúng ta, hàng vạn “công trình”, dự án làm xong chỉ để nuôi mối trong kho, rồi sau ít năm, vì không còn chỗ cho những “phát minh” mới nên lại phải thuê người chở đi đốt. Những Sáng kiến kinh nghiệm ở các nhà trường VN là một ví dụ điển hình cho tính bất khả tri đối với những ai muốn hiểu sự tồn tại của chúng. Chúng ta có hàng vạn giáo sư, tiến sĩ, nhưng ngoài chuyện tốn đá vôi để khắc bia ra thì không biết để làm gì (xin lỗi một thiểu số trí thức chân chính!).
Cái sự qua loa đại khái trong khoa học này đã dẫn tới những hệ lụy có tính phá hủy về con người. Sa mạc hóa nhân tâm đã không chừa một giai tầng, một “giới” nào. Sự mối mọt nhân tính không chừa một ngành nào, trong đó có giáo dục. Tầng lớp trí thức trở nên đớn hèn, bạc nhược. Tại sao trí thức của ta xưa và trí thức phương Tây lại có được tinh thần vô úy? Vì họ hiểu biết. Họ là người trí. Người trí thì dũng. Tất cả những sự tham lam, bần tiện, độc ác, giả dối đều có nguyên nhân gốc rễ trong trí tuệ của con người. Ở các nước phát triển, đạo đức là tôn trọng sự thật, tôn trọng chân lý chứ không phải như ở xứ mình là tôn trọng tuổi tác, tôn trọng địa vị, lễ nghi. Cũng chính vì thế mà Aristotle mới nói về thầy mình rằng, “Plato thật đáng quý nhưng chân lý còn đáng quý hơn”.
Nhưng làm thế nào để đào luyện nên người trí? Chấn hưng giáo dục và khoa học. Phải coi khoa học là đền thiêng, nhà giáo và nhà khoa học nói chung cần được tôn trọng bằng cách trả tự do và trả tiền cho họ. Mỗi chữ có giá trị mà nhà khoa học viết ra cần được đếm như đếm ngọc và quy ra tiền. Bởi, không nên hiểu lầm, vì tiền chỉ là một một sự quy đổi của giá trị và sức lao động, trả tiền một cách sòng phẳng là cách tốt nhất để tôn vinh khoa học. Người trí thức cần được “tự do tuyệt đối về tư tưởng” theo cách nói của V. Hombol. Đó là cách tôn vinh thứ hai. Và dứt khoát, cách thứ nhất có thể “vi phạm” nhưng cách thứ 2 thì tuyệt đối phải tuân giữ nếu muốn có một nền khoa học chân chính.
Ở đâu có trí tuệ ở đó có phồn vinh
Ở đâu có trí tuệ ở đó có trí tệ ở đó có lương thiện
Ở đâu có trí tuệ ở đó dám tranh đấu.
Người Do Thái dù phải bỏ lại tất cả vì phận số lưu vong khắp thế giới nhưng vẫn sống chết cõng theo sách trên mọi nẻo đường thiên lý. Với 0.2% dân số thế giới nhưng họ lại là chủ nhân của 22% giải Nobel. Và cũng bởi thế nên nơi đâu có dấu chân của họ, nơi ấy giầu có và văn minh.
Nhà thơ Lê Đạt nói rằng, “Người Do Thái không phải là một sản phẩm tự nhiên mà là một sản phẩm văn hóa”.
Nhưng để bước đi trên con đường của khoa học chân chính, trước tiên cần mở con đường tự do và dân chủ.