CẢ THẾ GIỚI CHỜ ĐỢI CÂU TRẢ LỜI CỦA ĐỨC MARIA
Is 7,10-14; Hr 10,4-10; Lc 1,26-38
1. Ai cũng đã từng có kinh nghiệm “chờ đợi”, chờ đợi một người nào đó, chờ đợi một điều gì đó. Nếu “người được chờ” càng cao quý, “điều được đợi” càng hệ trọng, thì “chờ đợi” làm cho chúng ta nghẹt thở. Không những thế hệ chúng ta mà còn toàn thể thế giới qua muôn ngàn thế hệ đã nghẹt thở trải qua thời gian “chờ đợi”. Đó là chờ đợi câu trả lời của Đức Maria.
Thiên Chúa Chờ Đợi Qua Việc Chuẩn Bị Kế Hoạch Cứu Độ
2. Phụng vụ Lời Chúa của Lễ Truyền Tin xoay quanh biến cố độc nhất vô nhị là việc nhập thể của Con Thiên Chúa. Để thực hiện biến cố này, Thiên Chúa đã kiên nhẫn chờ đợi trong việc chuẩn bị từ ngàn xưa như lời tác giả thư Do Thái nói: “Thuở xưa, nhiều lần nhiều cách, Thiên Chúa đã phán dạy cha ông chúng ta qua các ngôn sứ” (Dt 1,1). Thiên Chúa dùng miệng ngôn sứ Isaia để loan báo về cuộc sinh hạ Đấng Mêsia: “Này đây người thiếu nữ mang thai, sinh hạ con trai, và đặt tên là Em-ma-nu-en nghĩa là Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta” (Is 7,14;8,10).
3. Để hiểu ý nghĩa của lời loan báo này, chúng ta đặt lời ấy trong bối cảnh lịch sử của dân Israel vào thời vua Akhát. Trong lúc các vua Aram và Ítraen chuẩn bị tấn công Giêrusalem và lật đổ vương triều Đavít, Đức Chúa ra lệnh cho Isaia đến trấn an Akhát, vua Giuđa; ngôn sứ cho biết dự án của liên minh sẽ không thành, và kêu gọi nhà vua phải tin tưởng vào Thiên Chúa.1 Vì vậy, lời Đức Chúa phán: “Nếu các ngươi không vững tin, thì các ngươi sẽ không đứng được” (Is 7,9) vừa là lời cảnh báo, vừa là sự trấn an của Đức Chúa dành cho Giêrusalem và triều đại Đavít.2 Mặc dù đã được Chúa trấn án, vua Akhát vẫn run sợ trước kẻ thù (x. Is 7,2). Cho nên, Đức Chúa lại sai ngôn sứ Isaiah đến can thiệp lần thứ hai. Trong lần này, để bảo đảm tính xác thực lời trấn an của Đức Chúa, Đức Chúa ban cho vua một dấu lạ là một người con sẽ chào đời. Lúc đó, vua Akhát không có con. Sau này con trẻ được sinh ra là Khítkigiahu, người được dân chúng đặt nhiều hy vọng, một dấu lạ thật sự.3
Qua hai lần Thiên Chúa sai ngôn sứ Isaia đến can thiệp vua Akhát đừng tham gia liên minh với phàm nhân nhưng hãy tin tưởng vào sự che chở của Người, chúng ta nhận thấy Thiên Chúa là Đấng kiên nhẫn chờ đợi con người tin tưởng vào Người.
4. Quả thật, ngày hôm nay “nỗi sợ của vua Akhát” đang thống trị trong tâm hồn chúng ta. Biểu hiện của nỗi sợ ấy là việc không biết chờ đợi. “Chờ đợi” trở nên vô nghĩa với con người trong thời đại “siêu nối kết” hôm nay. Thay cho những lá thư viết tay cần mất nhiều thời gian gửi và nhận, chúng ta viết những tin nhắn qua email, messenger, zalo, viber, sms,4 mms,5… mà chúng có thể phản hồi ngay lập tức. Thay cho việc đến tận nơi để mua sắm, chúng ta ở nhà đặt hàng qua các trang web. Thay cho việc chờ đợi rau củ quả chín đúng mùa, chúng ta luôn được cung cấp quanh năm trong các siêu thị. Chúng ta không chấp nhận “chờ đợi”.
5. Thế nhưng, thực tế lại không phải vậy. Nhiều khi có những tin nhắn chúng ta chờ đợi trong thời gian dài mà phải đếm ngày tính tháng. Đó là tin kết quả đậu kỳ thi sau khi trải qua một mùa thi cử, là tin sức khỏe đã hồi phục sau khi trải qua một tiến tình điều trị, là tin mẹ tròn con vuông sau khi trải qua chín tháng mang thai và khó nhọc sinh con, là tin bình an sau khi trải qua nguy hiểm…
Nhiều khi có những thứ chúng ta không thể mua qua các trang web. Chúng ta có thể mua được ngôi nhà, nhưng không mua được mái ấm gia đình; có thể mua được chiếc giường, nhưng không mua được giấc ngủ; có thể mua được chiếc đồng hồ, nhưng không mua được thời gian; có thể mua được bằng cấp, nhưng không thể mua được kiến thức; có thể mua được địa vị, nhưng không thể mua được sự kính trọng; có thể mua được thuốc, nhưng không thể mua được sức khỏe; có thể mua được máu, nhưng không thể mua được sự sống; có thể mua được tình dục, nhưng không thể mua được tình yêu…
Nhiều khi có những thứ chúng ta không phải lúc nào cũng được đáp ứng. Đó là công bằng khi đã đấu tranh chống lại bất công; là sự thật khi đã vạch trần chống lại dối trá; là tự do khi đã vùng dậy chống lại áp bức; là niềm vui khi đã vứt bỏ âu sầu; là hòa bình khi đã hy sinh chống lại thù hận; là hy vọng khi đã vật lộn chống lại thất vọng; là đức tin khi đã vượt qua nghi nan; là bác ái khi đã diệt trừ ghen ghét…
Vậy làm thế nào để “xua tan nỗi sợ Akhát” đang thống trị trong tâm hồn chúng ta đây? Câu trả lời không gì khác hơn là hãy học bài chờ đợi của Thiên Chúa và hãy học cách đáp trả lại sự chờ đợi của Người.
Cả Thế Giới Chờ Đợi Câu Trả Lời Của Đức Maria
6. Trong khi chờ đợi đức tin của vua Akhát, Thiên Chúa đã ban cho vua một dấu: “Này đây người thiếu nữ mang thai, sinh hạ con trai” (Is 7,14). Lời hứa này được Hội Thánh nhận ra việc thụ thai đồng trinh như một công trình của Thiên Chúa, vượt quá mọi hiểu biết và mọi khả năng nhân loại: Thiên thần đã nói với ông Giuse về Đức Maria, hiền thê của ông rằng: “Người con bà cưu mang là do quyền năng Chúa Thánh Thần” (Mt l,20) (x. GLHTCG 497). “Biến cố Truyền tin cho Đức Maria mở đầu “thời gian tới hồi viên mãn” (Gl 4,4), nghĩa là, lúc hoàn thành các lời hứa và các sự chuẩn bị. Đức Maria được mời gọi cưu mang Đấng mà nơi Người “tất cả sự viên mãn của thần tính hiện diện cách cụ thể” (Cl 2,9). Lời phúc đáp thần linh cho vấn nạn của Mẹ: “Việc ấy sẽ xảy ra cách nào, vì tôi không biết đến việc vợ chồng?” (Lc l,34) đã được đưa ra là nhờ quyền năng của Chúa Thánh Thần: “Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà” (Lc l,35)” GLHTCG 484).
7. Khi suy niệm đoạn Tin Mừng này, thánh Bênađô đã thốt lên tâm tình này: “Lạy Đức Trinh Nữ, Mẹ đã nghe báo tin Mẹ sẽ thụ thai và sinh một con trai: không phải do con người nhưng do Chúa Thánh Thần. Thần sứ đang chờ câu trả lời của Mẹ vì đã đến lúc người phải trở về cùng Thiên Chúa, Đấng đã sai người. Cả chúng con nữa, lạy Mẹ là bà chúa, chúng con cũng chờ đợi câu trả lời của lòng Chúa xót thương, vì chúng con là những kẻ đang phải khốn khổ bởi mang án tội tình”.6 Giây phút sứ thần Gáprien ngõ lời với Đức Mẹ là giây phút cả nhân loại hồi hộp nín thở để chờ đợi câu trả lời của Đức Mẹ. Giây phút truyền tin này đã gợi hứng cho thi sĩ Hàn Mặc Tử viết nên những vần thơ ca ngợi Đức Mẹ:
“Như song Lộc triều nguyên ơn phước cả
Dâng cao dâng thần nhạc sáng hơn trăng
Thơm tho bay cho đến cõi Thiên Đàng
Huyền diệu biến thành muôn kinh trọng thể
Và Tổng lãnh Thiên thần quỳ lạy Mẹ
Tung hô câu đường hạ ngớp châu sa
Hương xông lên lời ca ngợi sum hoà
Trí miêu duệ của muôn vì rất thánh.
Maria! Linh hồn tôi ớn lạnh!
Run như run thần tử thấy long nhan.
Run như run hơi thở chạm tơ vàng…
Nhưng lòng vẫn thấm nhuần ơn trìu mến.
[…]
Hỡi Sứ Thần Thiên Chúa Ga-bri-en
Khi người xuống truyền tin cho Thánh Nữ
Người có nghe xôn xao muôn tinh tú
Người có nghe náo động cả muôn trời
Người có nghe thơ mầu nhiệm ra đời”.7
8. Không chỉ cả vũ trụ muôn vì tinh tú cũng như nhân loại muôn ngàn thế hệ, từ nguyên tổ loài người, tổ phụ Abraham, vua Đavít, các tổ phụ khác đến con cháu Ađam, tức toàn thể nhân loại, thậm chí đến cả Thiên Chúa cũng đang chờ đợi câu trả lời của Đức Mẹ: “Lạy Đức Trinh Nữ, xin mau trả lời. Xin mau trả lời cho thần sứ, hay nói đúng hơn, trả lời cho Thiên Chúa qua sứ thần. Xin Mẹ đáp lời và đón nhận ngôn lời: Xin nói lên lời của Mẹ và cưu mang Lời của Thiên Chúa . Xin nói lên lời chóng qua và ôm ấp Lời vĩnh cửu”.8
9. Ngược lại với vua Akhát đã phụ lòng sự chờ đợi của Thiên Chúa, Đức Maria đã đáp lại sự chờ đợi của Thiên Chúa bằng sự vâng phục đức tin (x. GLHTCG 144). “Trong đức tin, Đức Maria đón nhận lời sứ thần Gabriel loan báo và đoan hứa, vì người tin rằng “đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được” (Lc 1,37), và người bày tỏ lòng quy phục: “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói” (Lc 1,38) (x. GLHTCG 148).
10. Quả thật, “chờ đợi” đã lưu lại dấu vết trên con người chúng ta. Chúng ta nợ Thiên Chúa và nợ cuộc đời sự chờ đợi mà Thiên Chúa và cuộc đời đã dành cho chúng ta. Chúng ta nợ sự chờ đợi của Thiên Chúa với lời thưa: “Lạy Thiên Chúa, này con đây, con đến để thực thi ý Ngài” (Dt 10,7). Chúng ta nợ sự chờ đợi của thân mẫu, người đã chín tháng cưu mang và khó nhọc sinh nhọc; nợ sự chờ đợi của thân phụ mẫu, những người đã thức khuya dạy sớm nuôi con; nợ sự chờ đợi của các thầy cô, những người đã miệt mài truyền thụ kiến thức; nợ sự chờ đợi các y bác sĩ, những người đã chăm sóc sức khỏe; nợ sự chờ đợi của các vị mục tử, những người đã nhiệt thành rao giảng Lời Chúa, cử hành các Bí tích và phục vụ mọi người; nợ sự chờ đợi của các tu sĩ nam nữ, những người đã tự hiến cho Thiên Chúa; nợ sự chờ đợi của người nghèo, những người đã không được chia sẻ thực phẩm; nợ sự chờ đợi của người bị áp bức, những người đã không được bênh vực; nợ sự chờ đợi đợi của người bị chà đạp nhân phẩm, những người đã không được tôn trọng; nợ sự chờ đợi của người chịu bất công, những người đã không được lên tiếng; nợ sự chờ đợi của người yếu thế, những người đã không được bảo vệ; và nợ nhiều người khác nữa…
11. Tóm lại, phụng vụ Lời Chúa của ngày lễ truyền tin hôm nay, chúng ta được mời gọi học bài học chờ đợi. Nếu chúng ta không biết chờ đợi, thì chúng ta là kẻ vô ơn và là kẻ không có lòng tin tưởng vào Thiên Chúa. Trái lại, nếu chúng ta biết chờ đợi, thì chúng ta là người biết sống tâm tình cảm tạ và là người chứng tỏ lòng tin tưởng của mình vào Thiên Chúa, cả khi gặp nghịch cảnh. Giờ đây, xin mượn lời kinh của thánh Têrêsa Giêsu để diễn tả lòng tin tưởng của người biết chờ đợi, người biết thưa lời “xin vâng” như Đức Mẹ:
“Đừng để điều gì làm cho bạn xao xuyến;
Đừng để điều gì làm cho bạn lo sợ.
Mọi sự đều qua đi, Thiên Chúa không thay đổi!
Kiên nhẫn sẽ được tất cả.
Ai có Thiên Chúa, người ấy chẳng thiếu gì:
Chỉ có Thiên Chúa, là đã đủ” (GLHTCG 227). NTC