Miệng đời

105

Miệng đời

Chuyện kể rằng, có đôi vợ chồng chất hành lý lên lưng lừa, thong thả bên nhau đi bộ trên đường trường. Được một đoạn, có người chê bai: “Dại thế! Có lừa đấy mà đi bộ”, thế là họ liền ngồi lên lưng con lừa để nó chở đi. Thêm một đoạn nữa, gặp người khác nói: “Ác quá! Sao nỡ bắt con lừa chở cả hai người thế?”, người chồng liền nhường vợ ngồi lừa còn mình đi bộ. Lát sau lại có người dè bỉu: “Vợ gì chẳng thương chồng, để chồng vất vả cuốc bộ mà coi được”, họ đành đổi vai nhưng vẫn không thoát miệng đời. Một bà thấy người vợ đi bộ, người chồng cưỡi lừa thì lắc đầu than: “Chẹp… đàn ông đàn ang mà làm vậy”. Cuối cùng, cặp vợ chồng nông dân trở lại phương án cũ, đi bộ bên nhau và để con lừa mang đống hành lý. Thỉnh thoảng vẫn có kẻ phán xét nhưng họ chẳng thèm quan tâm nữa, miễn vui là được.

Ông bà ta cũng có câu chuyện “Đẽo cày giữa đường” nói về việc để miệng đời chi phối. Bác nông dân tính đẽo một cái cày thật tốt để làm đồng đỡ vất vả liền đem khúc gỗ tốt ra ven đường, vừa đẽo vừa hỏi ý mọi người. Ai đi qua góp ý câu gì, bác cũng làm theo, rốt cuộc chẳng thành cái cày tử tế, chỉ ra khúc gỗ vô dụng. Tuy rất buồn nhưng bác rút ra bài học đắt giá: Làm việc gì cũng phải có chính kiến, đừng quá nghe lời người khác.

Tưởng chuyện chỉ có ở thời trước, vậy mà giờ cũng đâu thiếu.

Vốn có tư tưởng đậm chất truyền thống, cho rằng con trai mới là người phụng dưỡng cha mẹ, một người mẹ vẫn không thoải mái khi ở chung với con gái sau khi các con đều yên bề gia thất. Bà kỵ con dâu nên “bọn chúng” ra riêng, đem theo thằng cháu đích tôn; vợ chồng con gái không ngần ngại thay anh trai chăm sóc mẹ. Dù chàng rể và con gái rất tốt, nhà chồng nó cũng không ý kiến gì, bà mẹ vẫn cảm thấy lấn cấn vì không “có phúc” như những bạn già trong xóm, họ hay khoe được nương tựa con trai, sau này an tâm việc hậu sự, cúng kiếng.

Cha con nhà kia vừa du Xuân về đã thấy người mẹ mặt nặng như chì đứng ngay cửa. Ông bố toát cả mồ hôi, chẳng hiểu mình đã làm gì sai khi bị triệu vào phòng khách “nói chuyện phải quấy”. Con gái chuẩn bị khép cửa lại thì hai bà hàng xóm đi qua, chỉ vào mặt cô nói: “Trời đất! Bồ nhí của ổng đã vào được đây rồi à?”. Cả nhà ngớ ra, sau một hồi nói chuyện, các bên mới hóa giải hiểu lầm. Thì ra con gái học cấp ba, hôm nay “lên đồ” và trang điểm đậm đi chơi Tết với bố, bị hàng xóm bắt gặp lúc quàng tay nhau đi mua sắm, đinh ninh là… bồ nhí. Các bà chạy về cấp báo với mẹ cô, thêm mắm dặm muối vài câu, báo hại suýt nữa gia đình mất Tết vì sự cố này.

*

Thời vua Đường Thái Tông bên Trung Quốc, có một vị tướng tài tên Hứa Kính Tôn. Có lần vua hỏi ông: “Trẫm thấy khanh không phải người sơ bạc. Sao lại có nhiều điều tiếng về khanh đến thế?”. Ông chắp tay thưa: “Tâu bệ hạ! Nông phu vui mừng khi mưa đến mùa màng được tươi tốt, kẻ bộ hành lại khó chịu vì đường đi trơn trượt. Trăng mùa thu sáng vằng vặc như gương treo trên trời, bậc thi nhân nâng chén thưởng nguyệt, ngâm thơ, nhưng bọn đạo chích lại căm ghét vì ánh trăng quá sáng tỏ. Thiên địa vốn vô tư không thiên vị, thế mà chuyện nắng mưa vẫn bị thế nhân oán trách. Hạ thần không phải người vẹn toàn, làm sao tránh khỏi tiếng chê bai chỉ trích? Cho nên hạ thần trộm nghĩ, đối với lời thị phi nên bình tâm suy xét. Thiên tử tin lời thị phi thì quan thần bị hại; cha mẹ tin lời thị phi thì con cái bị ruồng bỏ; vợ chồng tin lời thị phi thì gia đình ly tán. Điều tiếng thế gian còn độc hại hơn rắn rết, sắc bén hơn gươm đao, giết người mà không thấy máu”.

Miệng đời “lưỡi không xương nhiều đường lắt léo”, không nuôi người ta lớn, không cho tiền bạc hay cơm ăn áo mặc. Ấy vậy mà nhiều người vẫn dựa vào miệng đời, sống theo kỳ vọng và tiêu chuẩn của kẻ khác thay vì tự chọn lối đi, để tự phí hoài đời mình.

Diễn viên hài Bill Cosby từng nói: “Tôi không biết đâu là chìa khóa của thành công. Nhưng tôi biết chìa khóa thất bại là cố làm vừa lòng tất cả mọi người”. Những người muốn làm đẹp lòng tất cả lại thường bị coi thường, cô lập; những ai luôn kiên định với cách sống, lý tưởng của mình, dẫu không hợp với một số người nhưng chắc chắn sẽ tìm ra bạn bè cùng chí hướng. LH

Previous articleVì sao gọi “Christmas”, mà không gọi là “Jesus’ Birthday”?
Next articleSắp Tết lại bàn về chuyện thưởng